Chỉ trong khoảng 2 tháng đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng hơn 20% lên mức cao vượt dự đoán của giới phân tích, trở thành kênh đầu tư “sáng giá” trong ngắn hạn.
Chuyên gia vàng, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) chia sẻ với báo Người Lao Động xung quanh những biến động “lạ” của giá vàng.
Ông nhìn nhận thế nào về giá vàng thế giới khi kim loại quý này đang gây từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tăng giá vượt dự đoán của thị trường và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường quốc tế?
Từ đầu năm 2016 đến nay, giá vàng thế giới tăng 20% (hiện đang đứng ở mốc 1.271 USD/ounce - mức cao nhất trong hơn 1 năm nay, tính đến chiều ngày 8-3). Đây là mức tăng khá cao và khá bất ngờ so với thời điểm tăng giá vàng khủng khiếp từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2011 mà đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ qua khi vàng chạm mốc hơn 1.900 USD/once vào tháng 9-2011.
Đâu là nguyên nhân khiến giá vàng nhảy vọt như hiện nay?
Hiện nay có nhiều ý kiến giải thích khác nhau về việc tăng của giá vàng lần này. Nếu như năm 2011, như đã nói, giá vàng tăng do cung tiền đặc biệt là đồng USD khi chỉ số Dollar Index giảm, nước Mỹ tung nhiều gói kích cầu để giải quyết thất nghiệp, kinh tế sụt giảm, lãi suất đồng USD liên tục giảm… Nhưng, đợt tăng giá vàng lần này lại không có các yếu tố nêu trên.
Nhu7nh giá vàng trong nước dường như lại dửng dưng với giá vàng thế giới, bằng chứng là chênh lệch giá vàng nội - ngoại đã giảm từ mức 4-5 triệu/lượng trước đây xuống về ngang bằng, thậm chí giá vàng SJC còn cao hơn giá thế giới, ông nghĩ sao về điều này?
Năm 2011, khi thị trường vàng còn thông thoáng, việc tăng hay giảm giá vàng SJC trong nước kéo theo lượng cầu - cung nhất định. Lúc đó các nhà đầu tư, đầu cơ và kể cả một bộ phận lớn dân cư cũng đang giữ nhiều tiền (bong bóng bất động sản chưa bùng nổ) đã chuyển sang vàng. Giá vàng trong nước biến động theo giá thế giới tạo ra nhiều sóng vàng.
Nhưng hiện nay và đặc biệt sau Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng đã khiến thị trường vàng miếng bị thu hẹp đáng kể, cộng với giá vàng thế giới giảm, ngân hàng trong nước hạn chế và không còn cho vay hay nhận vàng gửi… Những điều này làm chi phí giao dịch vàng trở nên đắt đỏ, người dân cảm thấy bất lợi khi đầu tư hay cất trữ vàng. Điều này làm sóng vàng trong nước yếu đi.
Như hôm cuối tuần, giá vàng thế giới biến động trong biên độ 800.000 đồng/lượng nhưng giá vàng SJC lại chỉ dao động trong khoảng 300.000 đồng/lượng. Đến hôm nay 8-3, giá vàng trong nước đã cao hơn thế giới khoảng 200.000 đồng mỗi lượng.
Nhà đầu tư trong nước có nên trở lại thị trường vàng lúc này?
Theo tôi, với những người còn nợ vàng thì vùng giá 33 triệu đồng/lượng hoặc nhỉnh hơn một chút nên mua để trả nợ ngay. Riêng với nhà đầu tư chỉ nên mua chừng 20% trong vốn tự có của mình.
Theo ông, giá vàng sẽ biến động như thế nào trong năm nay?
Về trung hạn, giá vàng và các loại hàng hóa khác sẽ khó tăng cao như thời điểm 2011, một phần do chỉ số USD tăng, kinh tế Mỹ hồi phục và khả năng tăng lãi suất USD từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Đồng thời, một phần do chính sách địa chính trị thay đổi, nguồn cung dầu tăng làm dầu mỏ - loại hàng hóa gắng chặt nhất với USD giảm làm cho các nhà đầu tư tài chính thế giới cũng sẽ chọn xu hướng giảm cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có vàng.
Tuy nhiên, “cơn sóng lạ” trong tháng 2-2016 làm đảo lộn những dự đoán “kinh nghiệm” như đã nêu đối với vàng, bởi vàng ngoài những chức năng như các loại hàng hóa khác hay gắn với USD như dầu, cà phê… thì còn chức năng làm quỹ dự trữ ngoại hối cho các ngân hàng trung ương các nước. Do đó, trong những trường hợp đặc biệt (như tình hình địa chính trị có biến động đột ngột) vàng vẫn có lý do điều chỉnh ngược sóng so với các loại hàng hóa khác.
Giá vàng SJC cao hơn thế giới 200.000 đồng/lượng
Phiên giao dịch ngày 8-3, giá vàng miếng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 33,88 triệu đồng/lượng, bán ra 34,13 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng so với phiên trước. Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp tục leo lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, ở mức 1.271 USD/ounce (tương đương giá 34,3 triệu đồng mỗi lượng quy đổi theo tỉ giá niêm yết). Giá vàng trong nước đang tiếp tục cao hơn giá thế giới khoảng 200.000 đồng/lượng.