Đây là thông tin được ông Đào Mạnh Kháng, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng (NH) TMCP An Bình (ABBANK) cho biết tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của NH này tổ chức ngày 28-4.
Theo đó, dù không còn là cổ đông chiến lược nhưng EVN vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ lâu dài với ABBANK. Theo yêu cầu của Chính phủ, EVN phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có ABBANK với tỉ lệ cổ phần sở hữu trước đó lên tới 21,2% với hơn 102 triệu cổ phần.
Cuối năm 2013, tập đoàn này đã bán 25,2 triệu cổ phần để giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn khoảng 16,02%. Đến cuối năm ngoái, EVN tiếp tục bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại ABBANK và giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 8,67%. Trong quý I-2016, tập đoàn này tiếp tục thoái vốn toàn bộ tài ABBANK.
Ông Cù Anh Tuấn, Tổng giám đốc ABBANK, cho biết dù không còn là cổ đông chiến lược nhưng NH vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác, cung cấp dịch vụ cho khách hàng của EVN. Đồng thời, NH này còn đề xuất xin NH Nhà nước được cấp vốn cho một số dự án trọng điểm của EVN trong ngành điện lực…
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, các chỉ tiêu về tổng tài sản, huy động và cho vay của ABBANK đều khả quan. Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng của NH khá cao với 770,9 tỉ đồng trong năm 2015, tăng 37% so với năm trước. Nhưng do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên lợi nhuận sau trích lập sụt giảm mạnh chỉ còn 107,7 tỉ đồng.
Nhiều cổ đông đặt câu hỏi về cổ tức, lãnh đạo ABBANK cho biết sẽ chia cổ tức gồm 3,9% bằng tiền mặt và 10,9% bằng cổ phiếu thưởng.
Năm 2016, ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 99% so với năm trước ở mức 214 tỉ đồng dù lãnh đạo NH này thừa nhận mục tiêu này rất thách thức trong bối cảnh tiếp tục phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoảng nợ đã bán cho VAMC.