Là kiến trúc sư ở TPHCM, sở hữu một công ty thiết kế và hai quán cà phê, anh Phạm Thanh Truyền vẫn thường được bạn bè hỏi làm thế nào để thành công trong tài chính. Chia sẻ dưới đây chính là những đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân anh.
Tự do tài chính là ước mơ của tất cả mọi người, nhưng chúng ta thường đổ lỗi cho những lý do như thu nhập khiêm tốn, nợ nần nhiều… Nếu như vậy, đến tận cuối đời chúng ta vẫn chưa thể tự do về tài chính để hưởng cuộc sống an nhàn và làm những điều mình thích.
1. Không nhất thiết phải đợi đến 60 tuổi mới về hưu
Càng tích lũy sớm và có kế hoạch tài chính sớm thì bạn càng có thể nghỉ hưu sớm mà không phải đợi đến 55 hay 60 tuổi. Một số người quá tham vọng, cố lao động cật lực chỉ để nhiều tiền hơn người khác như một mục đích để hãnh diện cá nhân, hay mong muốn người khác sẽ là nô lệ tài chính cho mình mà đến cuối đời họ vẫn rất vất vả mưu sinh. Chúng ta cũng chỉ ăn ngày ba bữa, nhắm mắt lại ngủ thì mọi không gian đều như nhau. Khi nhắm mắt xuôi tay, mọi người đều cùng sống chung một "cung điện".
2. Đừng quá ảo vọng về "tiền tự chảy vào túi bạn"
Môt số cá nhân và tổ chức hiện nay thổi phồng sự thật, quảng bá cách làm giàu chóng vánh chỉ qua vài buổi hội thảo. Mẫu số chung của những anh chị bán hàng đa cấp hay đi đào tạo làm giàu cấp tốc là đem hình ảnh của họ vài năm về trước nghèo xơ xác ra so sánh với hình ảnh bây giờ đi xe sang, ở nhà sang... để chứng tỏ sự thay đổi số phận và chứng tỏ năng lực làm giàu của bản thân. Qua đó, họ rủ rê những bạn trẻ nhẹ dạ cả tin lao vào con đường sống ảo: làm giàu từ hai bàn tay trắng trong chốc lát... Thực tế, những người đó có thể đang mua nhà thế chấp, mua trả góp xe hơi...
Tôi đã có dịp tiếp xúc và thiết kế công trình cho vài khách hàng đã và đang trong xâu chuỗi hệ thống bán hàng đa cấp và "làm giàu không khó". Cách họ mua nhà cửa đủ biết năng lực tài chính của họ tới đâu.
Một số bạn mê muội cách "chém gió" của họ mà phải cầm cố nhà cửa để lao vào cuộc chơi, khi biết mình bị hố nhưng sợ "quê" không dám lên tiếng, lại phải tiếp tục đi rủ rê thêm vài người "cấp dưới", người cấp dưới lỡ lao vô lại tiếp tục rủ rê thêm vài người cấp dưới nữa... Cứ thế họ tạo nên một chuỗi hệ thống tài chính ảo vô cùng nguy hiểm vì giá trị thực không có gì cả. Cách quyên góp vốn không làm ra giá trị thặng dư khiến bạn vô tình vướng vào vòng vây nợ nần không bao giờ thoát ra được.
3. Giải quyết mọi nợ nần càng sớm càng tốt
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc phải vay mượn, nhưng mượn nợ như một cái bẫy, lao vào thì rất dễ nhưng thoát ra cực kỳ khó.
Nếu chưa mượn thì đừng nên mượn. Nếu đã vay mượn thì phải cố gắng lên kế hoạch trả nợ cụ thể trước khi mượn. Vì nếu bạn còn nợ nần thì không bao giờ thoát ra được và tự do tài chính sẽ còn rất xa vời...
4. Đừng gửi tiết kiệm vào ngân hàng rồi ngồi không hưởng lãi
Một số bạn có vốn nhàn rỗi không biết kinh doanh hay đầu tư gì, chỉ biết gửi vào ngân hàng lấy lãi hàng tháng. Bạn nên nhớ lãi ngân hàng và lạm phát là hai đại lượng so sánh luôn quấn quít lẫn nhau. Nếu lãi ngân hàng cao hơn lạm phát thì nhân viên ngân hàng phải sống sao đây.
Hãy linh hoạt tìm hiểu ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân mà làm, ít nhất cũng ra lãi cao hơn lãi suất tiết kiệm, đừng chạy đua theo thị hiếu hay danh vọng. Nghề nào cũng có thể đẻ ra tiền được nếu bạn luôn khác biệt và dẫn đầu, không lừa đảo và vi phạm pháp luật.
5. Đừng bao giờ hùn hạp làm ăn nếu không rõ ràng về quy chế
Tôi từng có rất nhiều khách hàng hùn hạp chung làm nhà hàng, cafe, hay cả bệnh viện với mức đầu tư lên đến vài trăm tỷ đồng... Lúc đầu, tất cả đều rất hồ hởi, nhiều người là bạn thân của nhau (thì mới hùn hạp làm ăn chung). Thế nhưng sau thời gian làm ăn kiểu "cha chung không ai khóc" nên đường ai nấy đi, thậm chí còn thù hằn nhau.
Nếu bạn chưa đủ vốn, tốt nhất nên vay trả lãi rõ ràng hoặc trả lợi tức theo kiểu góp vốn của cổ đông. Nếu không thì mượn theo thời gian ngắn và có kế hoạch chi trả chu đáo. Còn không sẽ rất dễ "mất tất cả".
6. Tăng tích lũy mọi lúc mọi nơi
Tối thiểu bạn phải tích lũy lại 10% tổng thu nhập mỗi tháng. Bạn lưu ý tài sản và tiêu sản rất khác biệt. Nếu tích lũy rồi mua sắm tài sản (ví dụ như mua vàng để dành hoặc tái đầu tư kinh doanh sinh ra tiền) và tích lũy rồi mua sắm tiêu sản (ví dụ như iPhone 6 để xài) thì sau một thời gian ngắn nhìn lại, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn vô cùng.
Một số bạn trẻ cố cày bừa, dành dụm tích lũy và trả góp mua điện thoại, laptop, xe máy... cho bằng bạn bằng bè, sau thời gian nhìn lại tất cả "tài sản" của mình chỉ là đống sắt vụn.