Năm nay, dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ vượt xa chỉ tiêu ban đầu. Đã có một số cảnh báo tăng trưởng nóng. Nhưng, cũng có những góc nhìn bình thản.
Tăng trưởng tín dụng luôn được nhà điều hành, giới phân tích kinh tế vĩ mô quan tâm đặc biệt. Vì nó vừa là nguyên nhân, kết quả, hệ quả của nhiều mối liên hệ, trong đó có câu chuyện trách nhiệm.
Bước chân tập tễnh
Tại hội thảo nhìn lại việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 ngày 17-12, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói: “Tôi không bất ngờ với tăng trưởng tín dụng hiện nay, vì nó là kết quả của quá trình sắp xếp, lập lại trật tự trong hệ thống”.
Hệ thống ngân hàng có trật tự mới, hạn chế đi những xáo trộn trước đây về lãi suất, thanh khoản và tỷ giá, xáo trộn mà chuyên gia trên cho là “vô tiền khoáng hậu”.
Nay, lãi suất dễ chịu hơn, thanh khoản tốt hơn là những điều kiện đầu tiên để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cũng tại hội thảo trên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết thêm những năm gần đây, vấn đề thanh khoản của hệ thống đã được xử lý. Điển hình như vào các mùa cao điểm chi trả, không có hiện tượng chạy đua lãi suất và Ngân hàng Nhà nước không phải tái cấp vốn để hỗ trợ.
Nhưng, tăng trưởng tín dụng như năm nay có nóng và đáng lo ngại như một số cảnh báo?
Ông Phước đưa ra góc nhìn: chính việc Ngân hàng Nhà nước đã lập lại trật tự, xử lý sở hữu chéo trong hệ thống, nên không còn chuyện các ông chủ tự tung tự tác vốn ngân hàng, kiểu như rút cỡ dăm bảy nghìn tỉ nhồi vào chỗ này chỗ kia theo mục đích riêng như trước đây. Thay vào đó, tăng trưởng được lái đến đúng địa chỉ hơn, gắn với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhưng, chuyên gia này cho rằng tín dụng những năm qua và hiện nay vẫn tồn tại vấn đề đáng lo ngại. Hệ thống ngân hàng phải nhồi quá nhiều vốn, nền kinh tế dựa quá nhiều vào tín dụng.
“Gần như tất cả nhu cầu vốn của nền kinh tế dồn vào chính sách tiền tệ. Bị dồn vậy, chịu sao nổi” - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đặt vấn đề.
Chuyên gia này dẫn giải, thị trường tài chính có hai chân, thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Tại Việt Nam, nhiều năm qua và cho đến nay, thị trường vốn vẫn chưa tạo được sự cân đối, tập tễnh với áp lực dồn vào chân chính sách tiền tệ.
Như năm 2014, vốn hóa thị trường chứng khoán vẫn chỉ khoảng 30% GDP, trong khi tín dụng 101% GDP. Dù sao đó cũng đã là một sự cải thiện, vì trước đây, như năm 2011, sự tập tễnh rất rõ ở các tỷ lệ tương ứng là 15% với 120%.
Cũng theo TS. Trương Văn Phước, nhiều năm qua và hiện nay, chính sách tiền tệ phải đi làm thay nhiều việc cho thị trường vốn và chính sách tài khóa.
Nhiều chủ trương tín dụng ưu đãi, hỗ trợ… lẽ ra của chính sách tài khóa, nhưng cũng dồn về phía hệ thống ngân hàng; hay áp lực cân đối ngân sách, trái phiếu Chính phủ căng thẳng càng chèn lấn tín dụng và lãi suất.
Hay không bằng hên?
Tại hội thảo trên, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt vấn đề: chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng có một số yếu tố may mắn khách quan được chú ý.
Ví như, cầu của nền kinh tế sụt giảm, liên quan là cầu nhập khẩu kém đi tạo thuận lợi nhất định cho cân đối và ổn định tỷ giá; hay giá dầu giảm sâu, giá nông sản, nhiều nguyên liệu giảm cũng thuận lợi cho kiểm soát lạm phát và hạ nhiệt lãi suất…
Vậy thì, nhìn nhận những thành công của chính sách tiền tệ giai đoạn trên, “hay không bằng hên” như thế nào?
Với ý trên, TS. Trương Văn Phước cũng đặt vấn đề, mà ông đề nghị các chuyên gia, kể cả Ngân hàng Nhà nước, cần nghiên cứu và đánh giá thấu đáo.
Đó là, giá năng lượng giảm sâu, giá nông sản, nguyên liệu… cũng giảm phản ánh sức cầu thế giới giảm, liên quan là lạm phát thấp. Nhưng, sự truyền dẫn của tỷ giá vào lạm phát thì sao? Tỷ giá từ năm 2011 đến nay đã tăng bao nhiêu và đã truyền dẫn vào mức lạm phát thấp đó như thế nào?
“Các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu và chứng minh các câu hỏi đó. Còn theo tôi, cái hay là đã loại bớt được sự truyền dẫn của tỷ giá vào lạm phát. Đây là một trong những thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ”, ông Phước đánh giá.
Cũng tại hội thảo này, một lần nữa hầu hết các chuyên gia tham luận đều nhắc lại một thời hỗn loạn của giá vàng và vốn vàng, sự khuynh đảo của nó đối với ổn định vĩ mô, với thị trường ngoại tệ và tỷ giá, với tín dụng và nhức nhối vay mượn vốn liên quan…
Một lần nữa, “gỡ kíp nổ vốn vàng” - một cách nói hình ảnh về sự nguy hiểm trước đây - được nhắc lại. Ngân hàng Nhà nước đã làm được điều mà chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng trước nay không ai dám làm. Đó là đánh thẳng vào đồng tiền thứ ba tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng vẫn đang còn những tồn tại, nhưng nợ xấu vẫn phức tạp, “ngân hàng 0 đồng”, tỷ giá đang đặt ra những thách thức…
Dự kiến, theo thông lệ hàng năm, toàn hệ thống ngân hàng sẽ ngồi lại để cùng hướng về năm 2016. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm có những đánh giá chính thức những việc đã làm được, chưa làm được những năm qua, cũng như đưa ra định hướng điều hành, các mục tiêu cụ thể cho năm tới.
Như lúc này, hẳn một trong những định hướng được thị trường chờ đợi nhất cho năm 2016 vẫn là tỷ giá và lãi suất, nhất là khi bối cảnh đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn 2011-2015.