Mua giá cao, bán giá thấp
Vàng đã làm nhiều người lao đao khi đã có cuộc lao dốc mạnh, mất hơn nửa triệu đồng trong vài ngày qua. Cuối tuần, giá vàng đã hồi phục nhẹ ở mức 35,34 - 35,44 triệu đồng/lượng mua vào bán ra. Nhưng so với cùng thời điểm của tuần trước, giá vàng đã mất gần 1 triệu đồng mỗi lượng, còn so với mức đỉnh 40 triệu đồng, giá vàng SJC đã mất gần 4 triệu đồng chỉ sau 3 tháng.
Giá vàng trong nước lao dốc do giá vàng thế giới đổ sụp và mất mốc 1.300 USD, đến nay về dưới ngưỡng 1.257 USD/ounce. Với mốc này, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng trong nước hơn 1,6 triệu đồng/lượng.
Thấy giá xuống, nhiều người đổ xô đi mua vàng tích trữ. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, cho hay 3 - 4 ngày qua người mua nhiều hơn người bán, lượng vàng PNJ bán ra tăng hơn so với tuần trước 20% mỗi ngày. Công ty vàng bạc đá quý Doji cũng cho hay, lượng khách mua vào chiếm đến 60 - 65% tổng số lượng giao dịch ở công ty này. “Nhiều người đã không còn mua vàng miếng đầu tư. Nhưng nếu ai đang canh giá thấp mua vào tích trữ, để dành thì mức giá này khá tốt để có thể mua vào”, bà Cúc nói.
Trong khi đó, đà giảm giá khiến nhiều người xuống tiền mua vàng ở giá cao mất ăn mất ngủ. Ông M.L, một nhà đầu tư vàng, thất thần cho biết ông đã ôm vào vài chục lượng khi giá vàng lên 40 triệu đồng, giờ như ngồi trên đống lửa khi vàng cứ đi xuống. “Lúc vàng xuống 38 rồi 37 triệu, tôi tiếc không bán ra chặn lỗ, giờ thì lại càng lỗ nặng”, ông than trời. Ông kể vài người bạn cũng đang ôm lỗ tương tự, khi mua vào ở giá 40 triệu, với kỳ vọng giá vàng sẽ vọt lên mức 49 triệu đồng như đã từng lập ở năm 2011. “Giờ thì “chết” đứng ở giá này”, ông thõng tay.
Không phải ai cũng “chết” vì vàng, nhưng số người thắng là cực kỳ hiếm. Nhà đầu tư C., người giữ cả ngàn lượng vàng, cho biết đã từng rất bực bội và phiền trách người tư vấn tài chính cho mình bán vàng đi lúc vàng từ mức 34 triệu đi lên 37 triệu đồng thời điểm tháng 7. “Sau đó vàng vọt lên 40 triệu khiến tôi ngồi tiếc. Nhưng chỉ vài ngày sau, giá cứ trượt xuống, khiến tôi hiểu mình vừa thoát được một vụ lỗ. Có tiền tôi đi đầu tư cổ phiếu, gửi tiết kiệm sinh lãi, thay vì giữ vàng nằm im một chỗ nhìn giá đi xuống”, ông nói.
Tiết kiệm, cổ phiếu, bất động sản "lên ngôi"
Ông Phan Dũng Khánh, một nhà tư vấn tài chính, cho biết nghe giá vàng xuống, nhiều nhà đầu tư hỏi qua nhưng không ai đổ tiền vào. “Các kênh hút tiền mạnh nhất hiện giờ là tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản , chứ không phải là vàng” - ông nói.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NH) tăng 12,02%, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước (8,9%). Chỉ tính riêng TP HCM, tăng trưởng huy động vốn của các NH đến cuối tháng 9 tăng 10% so với cuối năm 2015, tăng 16% so cùng kỳ, đồng nghĩa người dân đã đổ hơn 157.000 tỉ đồng vào kênh tiết kiệm.
Trưởng phòng khách hàng cá nhân của một NH cho hay, lãi suất huy động từ đầu năm đến nay tăng bình quân 0,5 - 1%/năm, gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được 7,5%, trừ đi lạm phát 9 tháng 3,14%, thì số dư vẫn khiến nhiều người hài lòng. “Gửi 1 tỉ đồng lãi gần 14 triệu trong 3 tháng cũng là món hời cho những ai thích kênh đầu tư an toàn” - ông nhận định. Bảo hiểm cũng là vùng trũng “hút” tiền khi thống kê 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới đạt 7.177 tỉ đồng, tăng hơn 33,4% so với cùng kỳ.
Cùng lúc, nhiều người đổ tiền mạnh vào cổ phiếu. Trong phiên giao dịch 5.10, thị trường chứng khoán đã đạt vốn hóa cao nhất lịch sử khi VN-Index tăng 2,84 điểm lên 687 điểm. Tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa đạt 1,68 triệu tỉ, tăng gần 24% so với cuối năm 2015, tương đương khoảng 55% GDP 9 tháng đầu năm 2016. Tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu còn thể hiện qua con số margin cao kỷ lục. Theo đó, dư nợ cấp margin và ứng trước tiền bán chứng khoán của 16 công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường đạt hơn 23.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD. So với đầu năm, giá trị của khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán đã tăng 18%.
Tương tự, việc nhiều người đổ tiền vào đầu tư nhà đất đã “dựng” bất động sản đứng lên với giao dịch sôi động nhất trong vài năm trở lại đây. Sáu tháng đầu năm, có hơn 15.300 giao dịch bất động sản thành công. Số lượng nhà đầu tư thứ cấp mua đi bán lại sang tay kiếm lời cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Tồn kho bất động sản giảm 13.400 tỉ đồng, tương ứng hơn 26%. NH mạnh tay cho vay vào nhà đất, khi dư nợ tín dụng bất động sản tính đến giữa quý 2 đạt trên 415.443 tỉ đồng, tăng gần 33% so với thời điểm đầu năm 2014, tăng 5,76% so với đầu năm 2016. Tiền đổ mạnh vào đã khiến kênh đầu tư bất động sản nóng trở lại.
Khó tăng mạnh trở lại
Theo ông Phan Dũng Khánh, từ nay đến cuối năm, giá vàng khó có khả năng ngóc đầu tăng mạnh trở lại vì 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, thị trường đang dõi theo chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và nhiều ý kiến nghiêng về hướng Fed sẽ nâng lãi suất lên trong quý 4 này, có thể là vào tháng 12. Động thái này sẽ đẩy tăng giá đồng USD, giá vàng sẽ giảm.
Thứ hai liên quan đến Deutsche Bank, NH lớn nhất của Đức, đang đối mặt với yêu cầu nộp phạt 14 tỉ USD do liên quan đến hành vi bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong giai đoạn 2005 - 2007. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định NH này sẽ không sụp đổ.
“Vì vậy, trước mắt nguy cơ bất ổn có thể không xảy ra trong năm nay, vàng sẽ không được hỗ trợ để tăng giá” - ông Khánh nói. Trong 3 tháng tới, việc nắm giữ vàng có thể sẽ không sinh lợi nhiều như các kênh đầu tư khác.
Hồng Sương