1. Thêm cơ hội phát hành thẻ
Theo dự thảo thông tư về hoạt động thẻ ngân hàng lấy ý kiến đóng góp vừa được ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, có thể cấp thẻ ngân hàng cho người từ 11 tuổi vào đầu năm 2015. Người được cấp thẻ phải được người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật chấp thuận bằng văn bản.
Như vậy, các học sinh cấp 2 có thể sở hữu thẻ ngân hàng. Việc mở rộng đối tượng phát hành thẻ được xem là cơ hội để các ngân hàng gia tăng thị phần thẻ.
Theo số liệu NHNN, đến cuối tháng 10-2014, trên thị trường có 50 tổ chức phát hành thẻ, với số lượng trên 77,3 triệu thẻ, gần 15.900 máy ATM và trên 164.000 điểm chấp nhận thẻ (POS/EDC) được lắp đặt và sử dụng. Cơ quan này cũng đánh giá, việc ban hành thông tư thay thế quyết định 20 sẽ góp phần khiến thị trường thẻ ngày càng phát triển, trên cơ sở sự cải tiến của công nghệ thông tin, sự quan tâm đầu tư đối với dịch vụ thanh toán bán lẻ của các ngân hàng và mức độ sử dụng ngày càng phổ biến của thẻ.
Có thể nói, cuộc đua giành thị phần thẻ không chỉ đang được các ngân hàng đẩy mạnh mà sắp tới đây còn có sự vào cuộc của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, khi Thủ tướng vừa ban hành nghị định 39 về công ty tài chính, cho thuê tài chính và có hiệu lực 25-6-2014 cũng dọn đường cho các công ty tài chính được phát hành thẻ tín dụng.
Theo quy định này, công ty tài chính sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ như bảo lãnh, bao thanh toán và phát hành thẻ tín dụng như một ngân hàng thương mại. Một số công ty tài chính như Home Credit và FE Credit đang lên kế hoạch để phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng trong năm tới, trong đó tập trung mạnh vào phân khúc các khách hàng có thu nhập thấp.
2. Được thu phí
Thông tư 35/2012/TT-NHNN, quy định từ năm 2015, các ngân hàng có quyền nâng mức thu phí rút tiền nội mạng lên 3.000 đồng/giao dịch. Mới đây, NHNN cũng đưa ra dự thảo thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản. Như vậy, trong năm 2015, khách hàng sử dụng thẻ có thể phải gánh thêm nhiều loại phí khi sở hữu một chiếc thẻ ATM. Theo quy định tại thông tư 36, kể từ ngày 1-1-2015, ngân hàng có quyền tăng mức phí rút tiền nội mạng tới 3.000 đồng/giao dịch.
Trên thực tế hiện nay, các ngân hàng thương mại đã thu phí nội mạng, nhưng mỗi ngân hàng áp dụng một mức khác nhau. Chẳng hạn tại Vietcombank, mức phí rút tiền và chuyển khoản nội mạng là 1.100 đồng/lần giao dịch, nhưng ở các ngân hàng nhỏ là 3.300 đồng/lần giao dịch hoặc cao hơn, đó là chưa kể chủ thẻ phải gánh thêm chục loại phí khác như: phí thường niên, phí sao kê, phí in hoá đơn… khiến cho các chủ thẻ chóng mặt.
3. Người dùng ít lợi ích
Ông Trần Minh Lâm (quận 1, TP HCM) cho biết trong ví ông hiện có gần chục cái thẻ của các ngân hàng khác nhau. Điều khiến ông ngạc nhiên là ông vẫn được chào mời mở thẻ của chính ngân hàng mà ông đã mở thẻ rồi.
Nhân viên tín dụng giải thích “đang chạy chỉ tiêu phát triển thẻ do cấp trên giao”. Chị Minh Thuý (quận 3, TP HCM) cũng cho biết mặc dù không có nhu cầu nhưng chị cũng phải giúp một người bạn mở thẻ tín dụng tại ANZ để người bạn hoàn tất chỉ tiêu.
Theo ông Trần Minh Lâm, với hàng chục chiếc thẻ ATM trong ví, mỗi tháng các ngân hàng “chạc” của ông hết gần 100.000 đồng tiền phí SMS, cho dù trong đó có phân nửa số thẻ ông rất ít khi sử dụng và giao dịch. Ngoài ra, ông Lâm, còn phải trả phí thường niên mỗi năm lên đến hàng triệu đồng cho những chiếc thẻ nói trên.