Nhả giấy, nhả cả tiền rách
Bi hài nhất trong lịch sử của chiếc máy rút tiền tự động (ATM) có lẽ là trường hợp một khách hàng được máy nhả lại cho nguyên một tờ giấy mà dư luận đang xôn xao vài ngày qua. Trước đó, mạng xã hội lan truyền một clip với tốc độ chóng mặt, nội dung mô tả việc một khách hàng rút tiền tại máy ATM của Ngân hàng (NH) TMCP Đại chúng VN (PVcomBank) tại siêu thị BigC Hà Nội. Thao tác xong một loạt lệnh, thay vì nhả tờ tiền polymer, máy nhả thẳng ra một tờ giấy ghi mệnh giá tiền 500.000 đồng, không phải phiếu chi cũng không phải séc.
Lý giải cho điều đó, một lãnh đạo của PVcomBank cho biết máy ATM nói trên vừa được lắp đặt và đang chạy thử nghiệm, chưa đặt các khay tiền thật. Phía PVcomBank đã liên hệ với khách hàng để xin lỗi và khẳng định chắc chắn tiền của chủ thẻ không bị mất qua giao dịch đó.
Khách hàng gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười với ATMẢNH: T.P
Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân gặp khốn khổ với ATM. Anh Khánh (Bắc Giang), một giáo viên cắm bản ở Lai Châu, cho biết giáp Tết Đinh Dậu, trường mới trả lương, thưởng vào thẻ ATM của Agribank. Trường ở xa trung tâm nên anh để dành về quê ở Bắc Giang rút cho tiện. Nào ngờ, cả thị trấn có mấy cái ATM nên khách hàng xếp hàng dài dằng dặc. Đợi mãi đến lượt mình thì máy báo hết tiền, anh lại phải chạy xe thêm mấy chục ki lô mét lên thành phố để rút.
Còn chị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) mới đây ra ATM của một NH trên phố Ngọc Hà rút 3 triệu đồng, có 6 tờ 500.000 đồng nhả ra thì 2 tờ mất góc. Thậm chí, có lúc muốn rút 3 triệu đồng máy nhả toàn tiền lẻ 20.000 và 50.000 đồng, khiến chị phải rút đi rút lại nhiều lần. “Có thể lúc bơm tiền vào máy, việc kiểm tra không cẩn thận khiến tiền mất góc, tiền kém chất lượng bị xếp vào trong đó. Nhưng đây không phải lần đầu, tôi bị một lần rồi, đặc biệt với tiền mệnh giá 100.000 và 200.000 đồng”, chị Ngọc cho biết thêm.
Chia sẻ cảnh ngộ của chị Ngọc, anh N.Hoài (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mình sở hữu thẻ ATM của ngân hàng B nhưng chưa bao giờ dám dùng để rút tiền ở ATM khác. Anh kể dù các nhà băng, các công ty thẻ tuyên bố đã kết nối, liên thông, dùng một thẻ có thể rút ở bất cứ máy nào nhưng anh vẫn lo lắng. “Cứ đút thẻ ngân hàng B vào ATM của các NH khác là y rằng có vấn đề. Tôi bị nuốt mấy lần rồi, giờ tiệt không dám rút lung tung”, anh Hoài chia sẻ.
Cuối tháng 2-2017, bác N.V.L (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải hì hục ấn thẻ ra, vào mất mấy lần để rút tiền tại máy ATM khu vực đường Xuân Thủy. Thao tác xong lệnh rút 2 triệu đồng, ấn enter (chấp nhận), điện thoại báo trừ tiền trong tài khoản nhưng mãi không thấy tiền chui ra. Sau khoảng gần 1 phút hồi hộp chờ đợi, máy kêu tít tít rồi hiện ra dòng chữ: “Máy đang bị trục trặc. Thành thật xin lỗi quý khách”.
Đua số lượng, quên chất lượng
Nguyên Thống đốc NHNN -TS Cao Sĩ Kiêm nhận xét dịch vụ mới là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất, bền vững nhất cho các NH, chứ không phải cho vay thu lãi. Các nhà băng thời gian qua nắm bắt xu hướng này nên đầu tư rất mạnh vào hạ tầng công nghệ, máy móc, phương tiện kỹ thuật nhưng do quá ưu tiên vào gia tăng doanh số thẻ, thị phần mà chưa đầu tư thích đáng vào chất lượng dịch vụ. “Tình trạng ATM tắc nghẽn đã cải thiện nhiều, chủ yếu xảy ra vào các dịp tết, song chất lượng của nó vẫn chưa khiến người sử dụng hài lòng, nếu không muốn nói là bức xúc”, TS Kiêm nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu, người đầu tiên lập NH Việt tại Mỹ, cho biết để đầu tư một chiếc máy ATM , nhà băng cũng phải bỏ ra cả triệu USD, chưa kể các loại dịch vụ bảo dưỡng, chi phí bảo trì sau này. Thế nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, toàn VN cũng có gần 17.000 máy ATM và 230.000 thiết bị chấp nhận thẻ; các nhà băng phát hành hơn 80 triệu thẻ ATM nội địa... Điều đó cho thấy, tốc độ phát triển vô cùng mạnh mẽ khiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ chạy theo không kịp.
Cài đặt giao dịch thật, chỉ có tiền... là giả
Trả lời câu hỏi vì sao tiền nhả ra là giấy mà tài khoản khách hàng vẫn bị trừ, lãnh đạo PVcomBank cho biết máy ATM chạy thử nhưng tất cả đều được cài đặt như giao dịch thật để đảm bảo khi vận hành kiểm soát được rủi ro, sự cố, duy chỉ có tiền trong khay là tờ giấy. “Chúng tôi vẫn thường xuyên cử người đứng ở cây ATM nhưng tại thời điểm đó nhân viên đi vắng nên không hướng dẫn, thông báo được cho khách hàng”, vị lãnh đạo PVcomBank nói.