Tháng 7.2014, bà Nguyễn Thị Bi (Bình Định) ký kết mua bảo hiểm của Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA VN cho chồng là ông Nguyễn Hữu Thành, làm nghề đánh cá với mức bảo hiểm 400 triệu đồng. Hơn 2 tháng sau, chồng bà chết do trượt chân té chấn thương sọ não.
Là người thụ hưởng, bà Bi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhưng AIA thẳng thừng từ chối với lý do ông Thành không trực tiếp viết và ký vào hồ sơ đề nghị bảo hiểm, mà đại lý đã viết thay.
“Loạn” lý do “xù tiền”
Theo đó, AIA từ chối bồi thường và hoàn trả lại toàn bộ phí bảo hiểm 12,5 triệu đồng cho bên mua. Vì đang khiếu nại, bà Bi không chấp nhận khoản hoàn trả, nhưng AIA lại chuyển số tiền này cho đại lý, đại lý này lấy tiền cấn trừ công nợ với bà Bi.
“AIA buộc chữ viết và chữ ký trong hợp đồng phải theo quy định, nhưng lại không hề chịu trách nhiệm khi đại lý tự tung tự tác, không cung cấp thông tin chính xác, không thực hiện đúng quy trình, gây thiệt hại cho khách hàng. Chúng tôi đã đi kiện AIA về trách nhiệm của đại lý bảo hiểm theo điều khoản 88 của luật Kinh doanh bảo hiểm để đòi tiền bồi thường 400 triệu đồng” - ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty tư vấn bảo hiểm Tila - đại diện cho bà Bi, nói. TAND Q.1 (TP HCM) là nơi thụ lý giải quyết vụ kiện này nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử sơ thẩm.
Bà Ngô Hoàng Thị Mỹ Tú (ngụ TP HCM) cũng rơi vào trường hợp tương tự với Công ty bảo hiểm Dai-ichi Life VN. Chồng bà Tú là kỹ sư xây dựng, đã qua đời ngày 30.4.2012 do bị nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp. Sau khi chồng mất, bà Tú đến Dai-ichi Life yêu cầu chi trả bảo hiểm hợp đồng An thịnh chu toàn mà chồng bà ký ngày 30.3.2011 với trị giá 800 triệu đồng.
Nhưng Dai-ichi Life đã cho rằng khách hàng khai báo bệnh không trung thực, vi phạm hợp đồng, không chi trả bất cứ khoản phí nào, mà chỉ trả lại giá trị hoàn lại của hợp đồng là 2,9 triệu đồng (làm tròn), trong khi trước đó, hóa đơn thể hiện chồng bà đã đóng bảo hiểm tổng cộng 90,6 triệu đồng.
Trong khi đó, bà N.T.L.Th. (ngụ Hà Nội) cũng bị bảo hiểm nhân thọ Manulife từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm. Đầu năm 2014, bà Th. mua bảo hiểm Viên mãn trọn đời - cho em, bảo hiểm 31 bệnh nghiêm trọng. Đầu năm 2016 bà nhập viện điều trị với chẩn đoán “K giáp”. Sau đó, bà gửi hóa đơn thanh toán trị giá hơn 27 triệu đồng đến Manulife, nhưng công ty này cho biết bà đã khai báo không trung thực về việc đã bị nhân tuyến giáp 10 năm nay, nên đã đình chỉ thực hiện hợp đồng và giữ lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng.
Không những vậy, công ty còn từ chối luôn quyền lợi miễn đóng phí (khi khách hàng phát hiện có bệnh nằm trong phạm vi bảo hiểm thì không phải tiếp tục đóng phí, mà hợp đồng tự có hiệu lực đến thời điểm nhất định). Bà Th. đang nhờ các luật sư tư vấn đòi quyền lợi, bởi theo quy định, trên 2 năm thì hợp đồng không hồi tố các lỗi trong khai báo thông tin của khách hàng, đây là điều công ty bảo hiểm cố ý bỏ qua.
“Run tay” mua bảo hiểm
Mua bảo hiểm là để đề phòng rủi ro, nhưng trong rất nhiều trường hợp, rủi ro nhất lại xuất phát từ chính các công ty bảo hiểm. Những điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng, khi phát sinh tranh chấp, phần thiệt luôn về phía người mua.
Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2015, thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ với tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 29,5% so với năm 2014, doanh thu khai thác mới tăng trưởng 39,7%. Đây là tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2015. Mức tăng trưởng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới cũng khá cao, ở mức 24,2%, đạt gần 1,3 triệu hợp đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ duy trì hợp đồng ở mức thấp, rất nhiều hợp đồng bảo hiểm bị khách hàng hủy bỏ. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có tổng cộng 436.749 hợp đồng bị hủy bỏ.
Bình luận về mối quan hệ trên, Th.S Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn bảo hiểm - Trường đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng về phía các nhà bảo hiểm, đương nhiên việc gì từ chối được họ sẽ từ chối, bởi xét cho cùng, họ là công ty kinh doanh, mối quan tâm hàng đầu vẫn là lợi nhuận. Song, họ cũng phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Vì vậy, người mua bảo hiểm cần phải tự bảo vệ mình. “Đa số người mua hiểu rất mông lung, và chỉ biết là khi có sự cố thì họ sẽ được bồi thường một cách chung chung. Mấy ai mua bảo hiểm hiểu được đầy đủ điều khoản, quyền lợi trong hợp đồng?” - ông phân tích.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN (AVI), cho rằng nhiều người mua bảo hiểm không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Đến khi có sự cố họ mới tá hỏa khi bị bảo hiểm từ chối bồi thường. Chẳng hạn, nhà bảo hiểm nói bảo hiểm các bệnh hiểm nghèo, nhưng đâu phải bệnh hiểm nghèo nào cũng nằm trong phạm vi bảo hiểm. Cũng như tỷ lệ bồi thường cũng khác nhau, có bệnh 100%, có bệnh chỉ 50 - 60%... “Các nhà bảo hiểm đưa ra thị trường sản phẩm nào cũng đều thông qua Bộ Tài chính, một chữ trong điều khoản họ cũng không sửa được. Người mua phải tự trách mình trước” - ông nói.
Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, lợi đâu chưa thấy, cái mất lớn nhất của công ty bảo hiểm là đã làm mất lòng tin đối với khách hàng. “Không kể những trường hợp trục lợi bảo hiểm, đa số người bị từ chối bồi thường nghĩ họ bị lừa, tiền của họ như đổ xuống sông xuống biển, tiền mất tật mang. Công ty bảo hiểm cần minh bạch, công bằng hơn nữa, hợp đồng không tiểu tiết lắt léo, để người dân không “run tay” khi đầu tư mua bảo hiểm” - ông phân tích.
Không kể những trường hợp trục lợi bảo hiểm, đa số người bị từ chối bồi thường nghĩ họ bị lừa, tiền của họ như đổ xuống sông xuống biển, tiền mất tật mang. Công ty bảo hiểm cần minh bạch, công bằng hơn nữa, hợp đồng không tiểu tiết lắt léo, để người dân không “run tay” khi đầu tư mua bảo hiểm
Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty tư vấn bảo hiểm Tila