Theo cách tính này, hầu như toàn bộ các quán ăn vỉa hè đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tương đương với trên 8,4 triệu đồng/tháng hay doanh thu trên 280.000 đồng/ngày phải nộp thuế. Lấy giá trung bình một tô phở, hủ tiếu hay bánh canh tại TP HCM, Hà Nội... là 30.000 đồng, chỉ bán 10 tô/ngày là chủ hàng ăn phải đóng thuế TNCN.
“Chỉ có dẹp tiệm”
Bà Ba, chủ một tiệm phở lâu năm tại quận 1, TP HCM, bức xúc: “Bán 10 tô phở một ngày đã đóng thuế thì chỉ có dẹp tiệm. Một tô phở giá 30.000 đồng nhưng nó "cõng" trên lưng tiền thuê nhà, tiền thuê 4-5 người, tiền đầu tư bàn, ghế, tiền thịt bò, bánh phở, rau… Tính kiểu này, chưa thu được vốn đã phải đóng thuế".
Ông Nguyễn Bảo Thiện (H.Bình Chánh, TP HCM) đang phân phối văn phòng phẩm phản ánh, theo cách tính trước đây, với doanh thu mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh thì ông không phải đóng thuế. Thế nhưng từ ngày 1-1, với mức doanh thu này ông sẽ phải chịu tỷ lệ thuế khoán 0,5% đối với ngành nghề phân phối, tương đương 500.000 đồng. Bất hợp lý là thuế khoán nên dù có lỗ cũng phải đóng.
“Hộ kinh doanh không được trừ gia cảnh như người làm công ăn lương, dù chúng tôi tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Người làm công ăn lương 9 triệu đồng/tháng không phải đóng thuế thì người kinh doanh 8,4 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế rồi” - ông Thiện bức xúc.
Người giàu đóng thuế ít đi
Cách tính thuế mới cũng gây bức xúc khi người giàu sẽ đóng thuế ít hơn người nghèo. Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích trước kia cá nhân, bao gồm cả hộ kinh doanh, có thu nhập chưa đến 9 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế nhưng theo cách tính thuế mới thu nhập trên 8,4 - 9 triệu đồng/tháng phải đóng thuế 5%, tương đương 420.000 - 450.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, các đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp có thu nhập trên 20 triệu đồng trở lên, trước đây mỗi tháng đóng 10% (từ 2 triệu đồng trở lên), nay chỉ phải đóng 5% (từ 1 triệu đồng trở lên).
So sánh với những người có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ càng thấy rõ hơn sự chênh lệch thuế quá lớn này. Ví dụ, cùng mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng, người có thu nhập từ bảo hiểm, bán hàng đa cấp, xổ số chỉ phải đóng thuế 1,5 triệu đồng/tháng (30 triệu đồng x 5%) nhưng người làm công ăn lương (trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng) thu nhập tính thuế là 21 triệu đồng, thuế suất lũy tiến lên đến 20%, số thuế phải nộp là 2,55 triệu đồng/tháng, cao hơn 70% so các đối tượng trên. Nếu cùng thu nhập là 50 triệu đồng/tháng người làm công ăn lương nộp thuế 7 triệu đồng/tháng, còn bảo hiểm… chỉ nộp 2,5 triệu đồng/tháng, người làm công ăn lương nộp thuế cao hơn 180%.
Tóm lại, người làm công ăn lương thu nhập càng cao thì mức nộp thuế càng lớn hơn nhiều so với đại lý bảo hiểm.
Theo báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện luật Thuế TNCN, tính đến hết năm 2013, ngành thuế đã hoàn tất việc cấp 17,47 triệu mã số thuế. Trong đó, có 14,4 triệu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập khác, 3,046 triệu mã số thuế hộ gia đình, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh. Số người có thu nhập từ tiền lương, tiền công nộp thuế ở bậc 1 chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số người phải nộp thuế, khoảng 73 - 77% trong suốt 5 năm qua, trong khi số người nộp thuế từ bậc 2 trở lên chỉ 23 - 27%.
Từ ngày 1-7-2013, mức khấu trừ gia cảnh được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng/người lên 3,6 triệu đồng/tháng/người nhưng tỷ lệ người nộp thuế bậc 1 vẫn ở mức 76,9% trong năm 2013 và số thuế thu được tăng 10,4%.