WikiLeaks đang vật lộn để tồn tại trên mạng kể từ khi công bố tài liệu ngoại giao mật của Mỹ. Ảnh: WikiLeaks
Cũng như Julian Assange, WikiLeaks hiện không khác gì “một kẻ lang thang” trên Internet sau một loạt vụ tấn công của tin tặc và sự tẩy chay của một số công ty Mỹ.
Tấn công
Cuộc tấn công nhắm vào WikiLeaks bắt đầu ngay từ trước khi website này bắt đầu công bố tài liệu ngoại giao mật của Mỹ hôm 28-11. Một tin tặc tự xưng là Jester đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công này thông qua thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter. Jester, tự nhận mình là một tin tặc hoạt động chính trị (hacktivist), tuyên bố đã tấn công WikiLeaks vì tổ chức này “gây nguy hiểm cho tính mạng của binh lính Mỹ, các mối quan hệ ngoại giao và những tài sản khác”.
Ông Mikko Hypponen, giám đốc nghiên cứu của Công ty Bảo mật máy tính F-Secure, tin rằng Jester có khả năng thực hiện cuộc tấn công WikiLeaks. Ông nói: “Jester đã chứng minh khả năng phát động những cuộc tấn công từ chối dịch vụ có hiệu quả (DDoS) trước đó và hắn cũng nhận trách nhiệm ở lần tấn công này. Jester có năng lực và động cơ”. Theo Paul Mutton, một nhà phân tích bảo mật tại Công ty NetCraft (Anh), vụ tấn công hôm 28-11 chưa đủ mạnh để đánh sập WikiLeaks và website này vẫn có thể công bố tài liệu mật sau đó.
Hai ngày sau đó, WikiLeaks tiếp tục là mục tiêu của một vụ tấn công DDoS mạnh hơn nhiều so với cuộc tấn công đầu tiên. Vụ tấn công khiến người dùng tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác không thể truy cập trang mạng này trong nhiều giờ liền.
Mark Stephens, luật sư của ông Julian Assange - nhà sáng lập website WikiLeaks, nhận định các cuộc tấn công tinh vi trên mạng nói trên là một phần của những nỗ lực nhằm làm “câm lặng” ông Assange và WikiLeaks sau khi các tài liệu ngoại giao mật của Mỹ bị rò rỉ.
Phong tỏa
Ngoài tin tặc, WikiLeaks còn trở thành mục tiêu của các công ty Mỹ. Hôm 2-12, Công ty Amazon quyết định không cho WikiLeaks sử dụng máy chủ của mình để lưu trữ nội dung sau khi văn phòng của Thượng nghị sĩ Joe Lieberman gọi điện cho họ. Dù vậy, Amazon bác bỏ cáo buộc họ chịu sức ép của các nghị sĩ Mỹ mà cho rằng WikiLeaks đã vi phạm điểu khoản sử dụng khi không sở hữu những nội dung họ công bố. Một ngày sau đó, đến lượt công ty cung cấp tên miền EveryDNS.net cũng ngừng dịch vụ cung cấp tên miền wikileaks.org cho WikiLeaks, lấy lý do website này đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công DDoS, đe dọa sự ổn định cơ sở hạ tầng của EveryDNS.net.
Để đối phó với những động thái trên, WikiLeaks buộc chuyển sang hoạt động ở ít nhất 20 tên miền khác nhau, trong đó có wikileaks.ch, wikileaks.dd19.de, wikileaks.org.uk... WikiLeaks cũng sử dụng máy chủ ở Thụy Sĩ, Thụy Điển và Pháp để lưu trữ nội dung website của mình. Tuy nhiên, máy chủ của website ở Pháp đã ngưng hoạt động hôm 5-12. Nhận định về những gì xảy ra với WikiLeaks, ông John Perry Barlow, người đồng sáng lập Tổ chức Biên giới điện tử, nhận định: “Cuộc chiến thông tin nghiêm trọng đầu tiên đã xảy ra và chiến trường chính là WikiLeaks”.
Cắt nguồn tài chính
Sự tồn tại của WikiLeaks còn đối mặt với một thách thức khác sau khi nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, có trụ sở ở Mỹ, thông báo đóng cửa tài khoản của website với lý do họ đã vi phạm các chính sách của công ty, cụ thể là dính đến các hoạt động bất hợp pháp. WikiLeaks dùng tài khoản PayPal để nhận tiền đóng góp của người ủng hộ và đây được xem là nguồn doanh thu chính của họ. WikiLeaks cáo buộc chính sức ép của Chính phủ Mỹ đã dẫn đến quyết định của PayPal.
Động thái của PayPal diễn ra không lâu sau khi có tin WikiLeaks sắp công bố thông tin tài chính của mình. Ông Kristinn Hrafnsson, người phát ngôn WikiLeaks, cho biết Tổ chức Wau Holland sẽ công bố chi tiết về việc chi tiêu hơn 1 triệu USD tiền đóng góp từ các tổ chức, cá nhân vào năm ngoái. Tổ chức Wau Holland có trụ sở ở Berlin (Đức), quản lý hầu hết nguồn tiền quyên tặng cho WikiLeaks. Báo cáo sắp tới dự kiến sẽ cung cấp chi tiết về khoản tiền thuê luật sư bào chữa cho binh sĩ Bradley Manning, hiện bị giam giữ tại căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Quantico, bang Virginia. Manning được cho là nguồn cung cấp những tài liệu về Afghanistan, Iraq, và tài liệu ngoại giao mật của Mỹ cho WikiLeaks.
Phản ứng trái chiều
Hành động của WikiLeaks đang gây ra những phản ứng trái chiều trên Internet. Một số người cho rằng WikiLeaks nên đóng cửa và Assange bị xử tội gián điệp, hoặc thậm chí là tội phản quốc. Ngược lại, một số người lên tiếng ủng hộ WikiLeaks và sự tự do ngôn luận. Một vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay là liệu WikiLeaks có tồn tại được nếu không có Julian Assange. Joshua Benton, giám đốc tổ chức Nieman Journalism Lam, cho biết: “Cho dù có gì xảy ra với tên miền và tổ chức WikiLeaks, thì ý tưởng công bố thông tin mật của WikiLeaks vẫn sẽ tiếp tục”. Cũng đồng tình với ý kiến này, Ben Laurie, một chuyên gia bảo mật dữ liệu từng tư vấn cho WikiLeaks, nhận định: “Khái niệm này sẽ không chết. Thật khó để đóng cửa những website như thế nếu họ muốn tồn tại”.
Bản thân ông Assange cho biết WikiLeaks đang có những bước đi nhằm bảo đảm sẽ không bị làm câm lặng trong thời gian tới. Trong cuộc trò chuyện trực tuyến với độc giả báo The Guardian (Anh) hôm 3-12, ông Assange cho biết số tài liệu ngoại giao mật của Mỹ và những tài liệu khác đã được mã hóa và gửi cho trên 100.000 người. Ông cảnh báo rằng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra với ông và WikiLeaks thì những tài liệu này sẽ được công bố và “lịch sử sẽ chiến thắng”.