Rất nhiều trường hợp người dùng thực hiện thanh toán trực tuyến khi mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ thì gặp “sự cố” khiến họ mất thời gian, không thực hiện được giao dịch. Có trường hợp không thực hiện giao dịch nhưng “bỗng dưng mất tiền”. Các chuyên gia khẳng định những hạn chế trong thanh toán trực tuyến sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dùng đối với phương thức thanh toán tiện ích này và nhà cung cấp dịch vụ cần sớm có giải pháp khắc phục.
Gây khó người dùng
Khi ga Sài Gòn mở bán vé tàu Tết qua mạng, chị Nguyễn Thị Nga (ngụ quận 9, TP HCM) phải dành nửa ngày để “canh” vé. Sau khi chọn lịch trình, đặt vé thành công, chị Nga chọn thanh toán ngay số tiền 3,01 triệu đồng/2 vé lượt TP HCM - Hà Nội bằng thẻ ghi nợ nội địa (ATM) có ứng dụng thanh toán internet banking của một ngân hàng (NH) cổ phần. Tài khoản đã bị trừ tiền nhưng sau đó, website của ga Sài Gòn báo “lỗi hệ thống”.
“Xem lại lịch sử giao dịch thì vé tàu tôi đã mua đang trong tình trạng… treo, chờ thanh toán trong vòng 12 giờ nhưng tài khoản đã bị trừ. Tôi liên hệ với NH thì nhân viên cho biết phải chờ tối đa 8 ngày tra soát rồi mới trả lại tiền” - chị Nga kể.
Rất nhiều khách hàng mua vé tàu Tết, thanh toán trực tuyến qua mạng bằng nhiều loại thẻ NH cũng rơi vào tình trạng tiền bị trừ nhưng hệ thống báo lỗi thanh toán. Trong khi đó, có trường hợp đặt mua hàng hóa, thanh toán bằng tài khoản thẻ tín dụng, hệ thống báo hoàn tất giao dịch, tài khoản đã bị trừ tiền. Thế nhưng, nơi bán thông báo không có giao dịch đặt mua khiến người dùng không mua được hàng và phải chờ để được hoàn tiền. Với trường hợp sử dụng ví điện tử để mua hàng, dù tài khoản ví còn tiền nhưng không thể đặt mua hàng vì hệ thống báo lỗi không thể thanh toán.
Trưởng phòng ATM một NH cổ phần lớn tại TP HCM xác nhận đôi khi xảy ra giao dịch lỗi hệ thống, lỗi đường truyền làm chủ thẻ không rút được tiền nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản trên máy ATM. Tuy vậy, những lỗi giao dịch khi khách hàng thanh toán trực tuyến rất ít. Nguyên nhân có thể bị lỗi ở rất nhiều “khâu”, từ NH của chủ thẻ, đơn vị chuyển mạch thẻ đến NH của nhà cung cấp… Ngay việc đứt cáp quang cũng có thể ảnh hưởng đến đường truyền trong quá trình khách hàng thanh toán.
Một số người dùng phản ánh dù không thực hiện giao dịch qua thẻ nhưng nhận tin nhắn có phát sinh giao dịch, tài khoản bị trừ tiền khiến họ hoang mang. Về vấn đề này, đại diện một cổng thanh toán điện tử tại Việt Nam cho biết: “Có người dùng sơ hở để mất thông tin tài chính cá nhân, người khác có thể sử dụng để mua hàng và thanh toán. Một số website mua bán, NH không có chức năng xác thực thanh toán với mã bảo mật OTP qua tin nhắn SMS nên người khác có thể sử dụng thông tin của chủ thẻ để mua hàng mà chủ nhân không biết”.
Cần giải pháp liền mạch
Theo các chuyên gia, để giúp hạ tầng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam phát triển tốt, hiệu quả cho khách hàng thì NH cần chuyển đổi các mô hình giao dịch cũ sang mô hình NH hiện đại - có các sản phẩm dịch vụ thương mại được cung cấp trên internet, đến từng khách hàng. Từ đó, cho phép khách hàng có thể đặt hàng và thanh toán qua mạng. Các NH, ví điện tử, cổng thanh toán… phải làm việc với nhau, kết nối liền mạch hơn nữa để tránh các sự cố không kết nối được khi thanh toán. Ngoài ra, cần xây dựng hạ tầng dữ liệu, hệ thống mạng đủ mạnh để có thể xử lý nhanh, chính xác các giao dịch, thanh toán.
Đại diện cổng thanh toán NganLuong.vn cho biết: “Các cổng thanh toán điện tử cần xác thực chủ sở hữu, các quy định ràng buộc về tài chính, thẩm định và cấp chứng nhận với các website bán hàng trực tuyến. Khi người dùng mua hàng tại website được chứng nhận, nếu có rủi ro bị lừa đảo hoặc hàng hóa nhận được không đúng mô tả, cam kết của người bán thì cổng thanh toán sẽ làm trung gian giải quyết khiếu nại, có thể ứng tiền bồi hoàn cho người mua…”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia bảo mật, để hạn chế việc mất tiền, người dùng nên thường xuyên thay đổi các mã số bí mật, không nên thực hiện giao dịch ở những môi trường mạng không an toàn như quán cà phê internet, internet công cộng... Măt khác, phải thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, nếu thấy phát sinh giao dịch lạ phải báo ngay cho nhà cung cấp dịch vụ.
Nhà cung cấp dịch vụ phải có những cam kết bảo vệ, đền bù nếu xảy ra lỗi mất tiền do hệ thống của mình. Nhà cung cấp phải thường xuyên kiểm ra an ninh mạng, thường xuyên gửi những cảnh báo về lừa đảo trên mạng, cảnh báo những lỗ hổng bảo mật đến người tiêu dùng để phòng ngừa rủi ro mất tiền.
Nên lưu lịch sử giao dịch
Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính độc lập, những lỗi thanh toán là ngoài mong muốn của nhà cung cấp và cả NH. Đa số NH đầu tư rất mạnh cho hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến qua internet banking, mobile banking… Mỗi NH đều có hệ thống kho lưu trữ dữ liệu và hệ thống dự phòng cho sự cố, rủi ro. Bên cạnh những NH đầu tư công nghệ cho xu hướng dài hạn, một số NH đầu tư theo lộ trình vì chi phí lên tới hàng triệu USD.
“Trong trường hợp xảy ra sự cố lỗi giao dịch, lỗi thanh toán và bị trừ tiền, khách hàng nên lưu lại lịch sử giao dịch (chụp lại màn hình), lưu hóa đơn hoặc biên nhận online… để đối chiếu và khiếu nại với nhà cung cấp dịch vụ, NH. Rất hiếm đơn vị bán hàng và cả NH dám “quỵt” tiền của khách hàng” - ông Minh khuyến cáo.