Galaxy S II
Lỗi hồng tâm trên những chiếc Galaxy S II sản xuất tại Việt Nam.
Quay ngược thời gian vào thời điểm đầu tháng 8-2011, Galaxy S II khi đó trở thành tâm điểm của mọi sự chỉ trích khi sản phẩm này được phát hành tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, người dùng Việt còn chưa kịp tự hào về một sản phẩm Made in Vietnam thì đã “té ngửa” vì chất lượng của lô hàng này. Tỷ lệ những chiếc S II sản xuất tại Việt Nam bị lỗi hồng tâm, màn hình ám vàng rất cao, thậm chí có người đã đổi đến vài lần nhưng vẫn phải “sống chung với lũ”.
Một điểm đáng chú ý là khi đem so sánh với một số sản phẩm xách tay từ thị trường châu Âu hoặc Hàn Quốc, chất lượng hiển thị của S II bản Made in Vietnam kém hơn khá nhiều, dẫn đến một nghi vấn là sản phẩm sản xuất ở Việt Nam không đạt yêu cầu kỹ thuật. Vụ việc này khi đó cũng đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới.
Galaxy Note II
Mệt mỏi chờ đợi chương trình "tri ân khách hàng" của Samsung nhưng tín đồ của chiếc Note II đã phải ra về trong thất vọng. Ảnh Cellphone S.
Bản thân sản phẩm Galaxy Note II không gặp vấn đề gì về chất lượng và nhận được thiện cảm của khá đông người dùng trong nước, nhưng cách hành xử của Samsung với các khách hàng của mình trong chuỗi sự kiện ra mắt máy mới là đối tượng của sự chỉ trích. Ngày 7/10/2012, Samsung tổ chức chương trình “Tri ân sự tín nhiệm” tại Trung tâm Thương mại Vincom (191 Bà Triệu, Hà Nội) bằng cách cho đổi 30 chiếc Note miễn phí lên Note II. Đã có những người xếp hàng từ tối 6/10 để tham gia chương trình, nhưng sau đó Samsung ra thông báo hủy bỏ chương trình vì lý do an ninh, thay vào đó sẽ tổ chức bốc thăm online.
Khá nhiều thành viên diễn đàn khi đó đã tỏ ra bức xúc và cho rằng, đây là một cuộc “hành hạ khách hàng từ sự tín nhiệm”, thậm chí là một sự “khinh thường khách hàng”. Cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của Samsung khiến uy tín của hãng này thời điểm đó bị sụt giảm thấy rõ, nhưng rất may Note II vẫn là một trong những smartphone sáng giá tại thị trường Việt và có mức tiêu thụ tốt.
Máy ảnh Samsung NX1000
Samsung NX1000 được bán ở Việt Nam với mức giá đắt nhất thế giới.
Cách đây ít ngày, Samsung đã chính thức ra mắt chiếc máy ảnh không gương lật NX1000 tại Việt Nam với giá bán 17 triệu đồng. Mức giá tương đương 810 USD của sản phẩm này ngay lập tức khiến cộng đồng công nghệ trong nước xôn xao, coi đây là một “hiện tượng bất thường”, bởi model này vốn có giá chỉ xấp xỉ 400 USD trên Amazon, trong khi tại Mỹ, mức giá của nó cũng chỉ là 550 USD. Một số người đã đặt ra phép tính, nếu họ đặt mua máy ở Mỹ, sau đó vận chuyển về Việt Nam thì tổng chi phí cũng chỉ hết 12,5 triệu đồng. Cộng thêm chi phí “rửa máy” với bạn bè, thậm chí gửi máy sang nước ngoài bảo hành nếu có vấn đề, người dùng vẫn còn hời so với mức giá mà họ phải trả để mua sản phẩm của Samsung Việt Nam. Đó là còn chưa kể đến việc, sản phẩm này bán ở Việt Nam muộn hơn so với thế giới tới nửa năm.
Galaxy S IV
Tín đồ Việt thất vọng và gọi chiếc Galaxy S IV là Galaxy S III S.
So với chiếc S II, những chỉ trích nhằm vào S IV lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sản phẩm này còn chưa được bán ra thị trường, và nếu xét về cấu hình, nó có thể là chiếc smartphone mạnh nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, điều làm thất vọng người dùng Việt chính là việc, Galaxy S IV có quá ít thay đổi so với chiếc S III, đặc biệt là về thiết kế. Theo quan điểm của đại đa số người dùng, một sản phẩm cao cấp như S IV không nên sử dụng kết cấu bằng nhựa.
Thêm nữa, trong thời điểm cấu hình không phải là ưu tiên hàng đầu của người dùng, việc những phần mềm tích hợp sẵn trên chiếc S IV không có tính thực tế cao cũng khiến nó mất điểm khá nhiều.
Galaxy Note 8
Note 8 có lẽ là sản phẩm “đáng thương” nhất trong bản danh sách này, bởi bản thân nó chưa gây ra bất cứ “tội lỗi” nào nhưng đã bị cộng đồng công nghệ trong nước "ném đá" tơi tả ngay từ khi chưa đặt chân về Việt Nam. Vấn đề của Note 8 nằm ở chỗ, mức giá phát hành dự kiến của sản phẩm này đã khiến không ít người “choáng”, bởi lẽ giá của nó còn cao hơn cả chiếc iPad 4 Retina, trong khi sản phẩm mà nó cạnh tranh chỉ là iPad mini. Trong thời điểm những sản phẩm như Nexus 7, Amazon Kindle Fire HD đều có giá chỉ xấp xỉ 6 triệu đồng, iPad mini cũng chỉ có giá 8 triệu đồng, thì việc Galaxy Note 8 được phát giá 12 triệu rõ ràng khiến số đông người dùng khó chấp nhận.
Mức giá niêm yết của Galaxy Note 8 được cho là quá cao so với tưởng tượng của người dùng.
Samsung có thể lý giải bằng việc, sản phẩm của họ được tích hợp bút cảm ứng S Pen với khả năng đa nhiệm tốt, hoặc có khả năng gọi điện như một smartphone cỡ lớn, nhưng với một thị trường có mức thu nhập bình quân còn thấp như Việt Nam, điều gì mới là thứ người dùng quan tâm nhất?