"Thời buổi khó khăn nên thiên hạ ít chịu chi tiền lắm, gần cả tuần nay bán lắt nhắt chỉ được vài món đồ, lãi chưa đủ tiền công ship cậu ạ", là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hương, chủ shop hàng nước hoa tại mạng Muare khi được hỏi thăm về tình hình kinh doanh.
Giống như các ngành hàng khác, phục vụ đối tượng tiêu dùng là giới trẻ, cứ vào dịp cuối Quý II là giới buôn bán lại lo sốt vó và chuẩn bị tâm lý "ngủ đông giữa mùa hè". Nếu như các năm trở về trước, chỉ các cửa hàng mặt phố thường đóng cửa hoặc bán xả hàng cắt lỗ thì thời gian gần đây, các shop online cũng dần chung số phận.
Theo thông lệ, thời điểm bán hàng tốt nhất và lãi nhất vẫn là dịp Đông Xuân, nhất là đối với mặt hàng quần áo. Mặc dù vậy, khi thương mại điện tử (TMĐT) được nhân rộng và phát triển ồ ạt với các kênh truyền thông là các mạng xã hội đông thành viên, các shop online cũng có một giai đoạn khấm khá từ năm 2005 đến 2010.
Không mất tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân công thấp hoặc cũng bằng không, có thể làm thêm như một việc làm từ xa cùng công việc chính... là những lợi thế mà các chủ shop online của mạng Muare, Webtretho hay 5giay tận dụng vào thời điểm hưng thịnh.
Tuy nhiên, đất online dù vô hạn cũng thành hữu hạn, và rồi sự cạnh tranh khốc liệt lan toả một cách toàn diện trên các chợ ảo và cả các kênh truyền thông mạng xã hội Web 2.0.
Chị Lệ Hằng, dân buôn mỹ phẩm xách tay cho biết: "Mình cất công đặt hàng từ Đức với nguồn hàng giá cao nhưng chất lượng, rồi về tận dụng vốn ngoại ngữ dịch thông tin, hướng dẫn sử dụng của từng sản phẩm và up lên mạng để thu hút khách. Ai đời một vài chủ shop khác với nguồn hàng không rõ gốc gác cũng ăn trộm lại các thông tin của mình và sử dụng như đúng rồi, với giá bán ra chỉ bằng 1/2 giá mình bán. Chơi vậy thì chịu, không cạnh tranh được".
Cái khó bó cái khôn, nhiều chủ shop bắt buộc phải tận dụng các tiểu xảo để cạnh tranh và dìm nhau, kể cả việc sử dụng các nick ảo để gièm pha nhau, hạ uy tín đối thủ một cách triệt để trên các chợ ảo.
Ngoài việc đối mặt với các hình thức dìm hàng, cạnh tranh thiếu lành mạnh, các chủ shop online cũng phải đối mặt với việc chi phí marketing trực tuyến giờ cũng tăng lên vài phần.
Từng khoản phí dính chủ đề bán hàng, đôn chủ đề quảng bá sản phẩm hay phí duy trì gian hàng ảo đều tăng lên dần đều bất kể sức mua ngày càng giảm do chợ ngày một đông người bán.
Anh Đức Chung, chuyên doanh phụ kiện di động than thở: "Tôi bán hàng trong ngõ, địa điểm là tại gia để tiết kiệm chi phí và chỉ quảng cáo online để thu hút khách. Vậy mà giờ ban quản trị cũng tính tiền bằng mỗi lần đôn chủ đề. Một ngày nếu không đôn hai ba chục lượt là chủ đề bán hàng của mình tụt tận đẩu tận đâu, làm sao bán được hàng. Vậy nhưng nếu chi phí up liên tục như vậy cũng mất gần cả triệu/tháng, làm ăn nhỏ lẻ chịu không nổi mức phí này. Cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của tôi giảm mất 1/3 và lượng khách không hề tăng".
Không chỉ đối mặt với việc kênh truyền thông online tăng giá, các chủ shop còn lao đao với hàng loạt vấn đề khác ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến giảm sức cạnh tranh.
Khi kinh doanh trực tuyến không còn hấp dẫn
Sự phát triển của các mạng xã hội và kênh bán hàng trực tuyến tạo ra nhiều lợi thế cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hoặc cá nhân bán hàng nghiệp dư. Mặc dù góp phần thay đổi cục diện bán hàng nhưng sức mua yếu cộng với việc các mạng TMĐT hoạt động kém hiệu quả đã tạo hiệu ứng ngược với online marketing.
Không những không giúp giảm chi phí bán hàng, các khoản phí ngày một tăng của các trang web quảng bá sản phẩm tạo sự ức chế tâm lý đối với các thành viên mặc dù mức tăng này trên thực tế cũng chỉ đủ bù chi phí duy trì hệ thống server.
Anh Trịnh Quốc Anh, giám đốc một mạng TMĐT với trên 10 ngàn thành viên tham gia thường xuyên cho biết: "Vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải tiến hành thu thêm phí bằng hình thức nhắn tin đăng quảng cáo nhưng nếu không làm vậy thì sẽ không có tiền để tái đầu tư và nâng cấp hạ tầng máy chủ, nhân sự quản lý hay các gói update chức năng cho công cụ quản trị shop online (CMS)".
Thực tế thì đó cũng chỉ là một cách bao biện của các quản trị site khi không có một nước đi bền vững mà chỉ mở ra website thu hút thành viên rồi kiếm lợi. Hầu hết các trang giao dịch TMĐT đều thuộc dạng diễn đàn, dùng mã nguồn mở hoặc "thịt" lại từ một dự án khác rồi tuỳ biến thành các trang buôn bán và tìm mọi cách để lôi kéo thành viên.
Đến khi buôn bán xôm tụ, lượng thành viên tăng đột biến cộng với những phát sinh về hệ thống backend, ban quản trị lúc đó mới xử lý bằng cách nâng cấp một cách chắp vá và trong nhiều tình huống phải đập đi làm lại hoàn toàn bằng mã nguồn tự viết và chính điều này là nguyên nhân dẫn tới những hình thức thu phí thành viên mặc dù thời điểm ra mắt luôn khẳng định mình là công cụ tiện ích bán hàng, quảng bá miễn phí.
Sự ức chế của các chủ shop online còn bị đẩy lên cao độ khi mức phí tăng nhưng lợi ích lại giảm đi. Đó có thể là tình trạng server nay ngắc ngoải, mai tắt ngóm hay thậm chí là các hình thức ném đá giấu tay của các đối thủ bán hàng mà tuyệt nhiên không hề có sự can thiệp của Ban quản trị.
Chị Vân Anh, shop bán bánh kẹo trực tuyến cho biết: "Nhiều hôm vào tự dưng thấy chủ đề của mình bị xoá mà chẳng rõ lý do. Gửi PM hỏi quản trị thì không có phản hồi mà lập topic nào là bị 'thổi bay' topic ấy đến là nản vì rất tốn công trau chuốt nội dung, post bài hoành tráng để thu hút khách".
Mặt khác, sự tắc trách trong quản lý còn dẫn tới việc lừa đảo hoành hành, hàng giả, shop giả tràn lan, khiến người tiêu dùng hoang mang và quay trở về với các kênh mua hàng truyền thống.
Thực tế mà nói, các website TMĐT Việt Nam đã và đang bước vào đợt thanh lọc lớn để rồi sẽ chỉ vài thương hiệu trụ vững, từ đó xây dựng một hệ thống TMĐT hướng tới sự chuyên nghiệp hơn. Nhưng dường như tương lai đó có lẽ còn khá mịt mờ.