Những tin nhắn này được phát tán từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ doanh nghiệp, tổ chức cho đến cá nhân người sử dụng dịch vụ, khiến cho việc kiểm tra, thanh tra và xử phạt hết sức khó khăn. Thủ đoạn chung vẫn là các đối tượng phát tán sử dụng những thiết bị như modem hoặc SIM box, mua SIM trả trước để gửi hàng loạt tin nhắn quảng cáo. Sau khi tài khoản hết tiền thì SIM đó cũng bị vứt bỏ, do đó, kể cả nhà mạng có tiến hành kiểm tra và khóa số điện thoại này thì cũng không có tác dụng nữa.
Cần quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng trong việc chặn tin nhắn rác
Đối tượng của tin nhắn rác là các thuê bao hoạt động lâu dài, có thu nhập ổn định, phù hợp với nhóm khách hàng tiềm năng của bất động sản hay SIM số đẹp.... Điều này giải thích vì sao có những số điện thoại nhận được rất nhiều tin nhắn quảng cáo trong ngày, trong khi số khác chỉ bị quấy rầy theo đơn vị tuần.
Giải thích cho việc các đối tượng phát tán tin nhắn rác "biết sai mà vẫn làm liều", đại diện Cục Viễn thông cho biết, hiện tại, chi phí cho việc sử dụng dịch vụ qua tin nhắn quảng cáo hợp pháp rất cao, khoảng 600 đồng/tin nhắn. Trong khi đó, chi phí cho việc gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 250 đồng/tin, khi có khuyến mãi từ nhà mạng thì thậm chí giảm chỉ còn 100-150 đồng/tin. Các nhà mạng lại thường xuyên có những chương trình khuyến mại nên các đối tượng càng "mặn mà" với kênh phát tán tin nhắn này.
Bên cạnh đó, tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân cũng vẫn còn phổ biến, đối tượng phát tán tin nhắn thì hoạt động tinh vi, liên tục điều chỉnh phương thức để thoát khỏi sự phát hiện của hệ thống kỹ thuật mà nhà mạng triển khai.
Cần một tiêu chí chung!
Sau khi Chỉ thị 82 được ban hành, cả ba nhà mạng lớn là MobiFone, VinaPhone và Viettel đều cho biết đã áp dụng hàng rào kỹ thuật chặn tin nhắn bằng tần suất, chẳng hạn như Viettel chặn những thuê bao gửi 52 tin nhắn/phút, còn MobiFone "siết chặt" hơn với quy định tần suất 30 tin nhắn/phút.
Tuy nhiên, mỗi nhà mạng đang áp dụng một tần suất của riêng mình, dẫn tới việc thiếu đồng bộ trên thị trường. Có những nhà mạng thời gian đầu làm rất mạnh, nhưng sau đó, thấy các đối thủ chỉ thực hiện "cầm chừng" thì cũng điều chỉnh theo. Tương tự, có một số doanh nghiệp áp dụng tới 7-8 quy định về chặn tin nhắn rác, trong khi số khác lại chỉ áp dụng 2-3 luật chặn mà thôi.
"Nếu để doanh nghiệp di động "tự hiểu" về yêu cầu ngăn chặn tin nhắn rác thì sẽ dẫn tới cạnh tranh không công bằng, vì mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách hiểu khác nhau. Có nhà mạng làm mạnh, chặn 100.000 SMS/ngày nhưng cũng nhà mạng lại chỉ chặn 50.000 SMS/ngày, do còn dính dáng đến doanh thu, đến quyền lợi. Do đó, điều quan trọng là cần một sự hành động đồng đều giữa các nhà mạng. Muốn vậy, Bộ phải ra được tiêu chí để làm sở cứ, chấm dứt tình trạng mỗi doanh nghiệp làm 1 kiểu như hiện nay", đại diện Thanh tra Bộ đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho rằng, doanh nghiệp viễn thông vẫn là đối tượng có trách nhiệm (và quyền) chặn tin nhắn rác một cách trực tiếp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ đưa ra tiêu chí để chặn tin nhắn rác cũng như danh sách các số điện thoại, các từ khóa cần chặn. Danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên theo tình hình thực tế.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, cơ chế hậu kiểm đang áp dụng (kiểm tra, thanh tra, thu hồi số điện thoại vi phạm) không có nhiều tác dụng vì 95-97% tin nhắn rác đều đến từ thuê bao trả trước khai báo thông tin thiếu chính xác. Do đó, cần áp dụng cơ chế tiền kiểm, cho phép hệ thống kỹ thuật của nhà mạng chủ động chặn trước những tin nhắn khả nghi, dựa trên việc tính toán kết hợp cả số lượng, tần suất lẫn tốc độ gửi tin.
Chính vì tầm quan trọng của bộ tiêu chí như vậy nên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng vừa yêu cầu Cục An toàn thông tin phải gấp rút xây dựng nội dung này, trình lãnh đạo Bộ để sớm ban hành, làm căn cứ cho quyền và nghĩa vụ của nhà mạng.
"Trước hết, cần phải hướng dẫn được cụ thể thế nào là tin nhắn rác. Nghị định 90 về Quảng cáo nêu rõ, tin nhắn rác trước hết là tin nhắn quảng cáo, do đó, những tin nhắn quảng cáo nào không tuân thủ quy định về quảng cáo đều có thể xếp vào diện "cần phải xem xét". Sau bước này sẽ đến xác đình tần suất và số lượng tin nhắn được gửi đi. Tin nhắn rác ở mức độ nào thì phải chặn ngay, nếu chỉ gửi 1 - 2 lần thì chưa ảnh hưởng nhiều, có thể chưa cần chặn trong giai đoạn đầu", Thứ trưởng chỉ đạo.
Sau này, Bộ sẽ tiến hành công bố định kỳ quy định về tần suất và số lượng tin nhắn được gửi để doanh nghiệp áp dụng, thay vì quy định cứng trong các văn bản quy phạm sẽ khó điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, số lượng tin nhắn gửi đi chính là tiêu chí quan trọng nhất, cũng là khả thi nhất về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, tin nhắn rác là vấn đề rất phức tạp nên chỉ một vài giải pháp riêng lẻ sẽ không thể giải quyết được. Điều quan trọng là các đơn vị liên quan đều phải tham gia vào một giải pháp tổng thể, toàn diện và hết sức cụ thể, khi triển khai cũng phải đồng bộ, thống nhất...
Phải quy rõ trách nhiệm cho nhà mạng
Tuy nhiên, các ý kiến đều nhất trí rằng nếu cơ quan quản lý không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà mạng thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác, bởi nhà mạng mới là người chặn trực tiếp, cũng chính là gốc rễ của vấn đề.
"Cần lấy doanh nghiệp viễn thông và quản lý thuê bao viễn thông làm điểm đột phá để chặn tin nhắn rác", Thứ trưởng Thắng khẳng định. Chỉ khi các nhà mạng cùng toàn tâm toàn ý tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ này, và sự triển khai hành động của họ là ngang bằng với nhau thì mới đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường.
Một số ý kiến gợi ý rằng, nên chăng sẽ coi chặn tin nhắn rác là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của các nhà mạng và công bố rộng rãi trước dư luận để tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp.
"Bắt đúng bệnh thì sẽ giải quyết được ngay, nhìn thấy chuyển biến ngay. Còn cứ quy định chung chung anh phải làm thế này thế kia thì không bao giờ ra được kết quả", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải kết luận.