Ngày 20-1-2014, cả ba mạng di động lớn là MobiFone, Vinaphone và Viettel đều cho biết đã hoàn thành công tác phòng chống nghẽn mạng dịp Tết Nguyên đán.
Nhà mạng cam kết nhưng người dùng vẫn lo nghẽn mạng 3G trong dịp tết 2014 - Ảnh: Gia Tiến
Nhà mạng: đảm bảo dịch vụ cơ bản
Đại diện Vinaphone cho biết dung lượng tổng đài đã được mở rộng đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng tại những khu vực có khả năng tập trung số lượng thuê bao lớn. Tổng dung lượng đảm bảo phục vụ trên 50 triệu thuê bao (Vinaphone có hơn 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động trên mạng). Hệ thống nhắn tin có thể chuyển tải 30 triệu SMS/giờ.
Nhà mạng này cũng đã bổ sung các biện pháp chống nghẽn mạng cục bộ, phát sóng thêm gần 800 trạm mới, tập trung tối ưu chất lượng mạng 2G/3G tại 20 tỉnh thành trọng điểm gồm: Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam và các tỉnh thuộc Tây Nam bộ... đảm bảo độ dự phòng lưu lượng tăng 60-70% so với ngày thường. Đặc biệt Vinaphone đã hòa mạng thành công bốn tổng đài thế hệ mới đưa vào hoạt động trước Tết dương lịch 2014, tăng cường chất lượng chuyển vùng (roaming) trong nước, quốc tế phục vụ nhu cầu du lịch, liên lạc với người thân ở nước ngoài.
Trong khi đó, đại diện MobiFone nhận định: “Việc nâng cấp hệ thống liên tục với sự hỗ trợ của băng thông 3G đã làm tình trạng nghẽn mạch đột biến trên diện rộng vào dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây không còn xảy ra như trước kia. Việc nghẽn mạch vô tuyến chỉ còn xảy ra cục bộ tại một số ít khu vực có tập trung đông người sử dụng với tính chất đột biến hoặc ở một vài nơi tại thời khắc giao thừa”. Do đó năm nay MobiFone chú trọng công tác chống nghẽn tại các khu vực thành phố lớn tập trung đông người như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... với các giải pháp: điều chuyển, tăng cường 1.000 nhóm thu phát (TRX) trên toàn mạng để tăng cường chống nghẽn; điều động tám xe thu phát sóng lưu động tới các địa điểm tập trung đông người; san tải mạng lưới để đảm bảo liên lạc thông suốt...
Người dùng: lo dịch vụ 3G
Sự bùng nổ của các dịch vụ 3G, đặc biệt là các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua kết nối Internet trên di động (thường gọi là dịch vụ OTT - over the top) trong năm 2013 là một sự thay đổi lớn đối với dịch vụ viễn thông tại VN. Hầu hết người dùng 3G (khoảng 19 triệu thuê bao) đều có sử dụng các dịch vụ OTT, trong đó phổ biến nhất là các ứng dụng như Facebook, Viber, Yahoo! Messenger... Chính điều đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng nghẽn mạng 3G sẽ xảy ra trong dịp tết sắp đến.
Tuy nhiên các nhà mạng thì ngược lại. Đại diện MobiFone cho biết so với dịp tết 2013, hệ thống thiết bị mạng vô tuyến 3G của nhà mạng này đã được mở rộng băng thông hơn rất nhiều với trên 90% số lượng trạm 3G đã nâng mức tốc độ chiều tải xuống 21Mbps, chiều tải lên 5,76Mbps. Ngoài ra còn có thêm một số giải pháp như: mở rộng và tối ưu năng lực cho mạng lõi 3G, tăng khoảng 10% dung lượng; tăng kết nối liên mạng Vinaphone, VTI (khoảng 20% dung lượng); mở rộng dung lượng các đường truyền dẫn cho các trạm 3G lưu lượng cao, truyền dẫn liên đài, truyền dẫn liên mạng. “Khả năng mạng hiện tại của chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G tăng đột biến của người dùng trong những ngày tết sắp đến” - đại diện MobiFone cam kết.
Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông (đề nghị không nêu tên) tiết lộ nhà mạng không lo ngại nghẽn dịch vụ 3G trong dịp tết vì họ hoàn toàn có thể kiểm soát được lưu lượng băng thông của từng người dùng cũng như từng khu vực. Chẳng hạn ở khu vực có đông người dùng 3G cùng lúc, tùy vào năng lực trạm phát sóng, họ có thể tăng thêm băng thông cho khu vực đó để đảm bảo đường truyền trôi chảy. Hoặc nhà mạng cũng có thể kết hợp vừa tăng băng thông chung nhưng lại giảm tốc độ truy cập của từng người, nhóm người dùng hoặc của ứng dụng đang sử dụng băng thông nhiều (ví dụ như ứng dụng OTT) để không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Biện pháp hạn chế nghẽn
Các nhà mạng đều khuyến nghị người dùng cùng áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tối đa khả năng gây nghẽn. Theo Vinaphone, khi cuộc gọi không thực hiện được, người dùng nên chờ ít phút trước khi bấm máy gọi lại. Khi gửi tin nhắn chúc mừng năm mới vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mồng 1 tết, không nên gửi một tin nhắn cho quá nhiều số điện thoại cùng lúc, gọi hay nhắn tin trước hoặc sau các thời điểm này; không nên liên lạc lại nhiều lần khi bị nghẽn mạng; khuyến khích sử dụng tin nhắn đa phương tiện MMS, đồng thời tắt chế độ báo cáo (delivery reports); soạn tin nhắn trong giới hạn ký tự cho phép của một tin... |