Có thể nói hiện này mua bán qua mạng đang là một nhu cầu tất yếu đối với người dùng Việt Nam bởi tính tiện lợi của loại hình này. Không chỉ tiết kiệm thời gian, khách hàng còn có thể tham khảo được giá cũng như mẫu mã sản phẩm tại nhiều cửa hàng mà không phải mất công đi lại.
Tuy nhiên trên những trang mua bán điện tử dạng này như vatgia.com, muare.vn,... vẫn còn rất nhiều những chiếc bẫy chờ "con mồi" nhẹ dạ dính vào. Trong đó cả người mua lẫn người bán đều có thể bị vào vai ... nạn nhân.
Cả người bán và người mua đều có thể bị lừa khi giao dịch online (Ảnh minh họa)
Mờ mắt vì hàng hiệu giá rẻ
Hiện nay iPhone 5 đang là món đồ công nghệ hot, nhận được nhiều săn đón của người mua, bởi vậy đây cũng chính là loại điện thoại xuất hiện nhiều nhất trên các trang mua bán trực tuyến. Mặc dù hiện nay giá ngoài thị trường của chiếc máy này đang ở mức xấp xỉ 15 triệu đồng nhưng nếu mua online người dùng sẽ có cơ hội chỉ phải bỏ ra khoảng 4 triệu đến 5 triệu đồng.
Lướt qua các trang mua bán trực tuyến hàng đầu hiện nay như vatgia.com hay enbac.com có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều "thương nhân online" rao bán iPhone 5 với mức giá rất rẻ mạt. Và đây cũng là một chiêu cũ nhưng vẫn vô cùng hiệu quả nhằm đánh vào lòng tham của người mua.
Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết hồi đầu năm 2013, sau khi nhận tiền thưởng từ cơ quan, anh có ý định từ bỏ con nokia đen trắng để lên đời iPhone 5 cho bằng bạn bằng bè. Chưa từng sử dụng iPhone bao giờ, anh Tuấn lên các website mua bán để tìm hiểu về sản phẩm này.
Tuy nhiên do số tiền trong tay chỉ có khoảng 10 triệu đồng nên thay vì tìm tới các cửa hàng có uy tín, sự chú ý của anh Tuấn lại tập trung vào những chủ đề rao bán với giá chỉ 5 triệu đồng. Tại đây, người bán quảng cáo rằng hàng của họ được "xách tay từ Mỹ và Hồng Kông", đồng thời khẳng định do "có nguồn từ nơi sản xuất" nên giá mới rẻ như vậy.
Thấy có thể sở hữu "siêu điện thoại" với giá hời, ngay lập tức anh Tuấn liên lạc với người bán. Mặc dù đã có dấu hiệu khả nghi ngay từ đầu khi người bán lấy lý do không ở Hà Nội, yêu cầu chuyển một nửa tiền qua tài khoản trước rồi sẽ cho người mang hàng tới, xem xong nếu ưng thì mới phải đưa nốt nửa số tiền còn lại. Mờ mắt vì cơ hội sở hữu iPhone 5 với giá rẻ bất ngờ, anh Tuấn đã răm rắp làm theo.
Chỉ nửa ngày sau khi chuyển xong 2,5 triệu đồng, anh Tuấn đã có người liên hệ ra lấy máy. Tới điểm hẹn anh đã được xem qua máy và thấy bề ngoài rất giống với các mẫu iPhone 5 mà anh đã xem trên mạng. Trong trạng thái phấn khích, anh Tuấn đã trả nốt 2,5 triệu đồng còn lại và cầm máy ra về.
Tuy nhiên chỉ sau một ngày sử dụng, anh Tuấn đã phát hiện ra rất nhiều điểm đáng ngờ của chiếc iPhone 5 "xịn" này. Không chỉ Wifi quá chậm, loa rè mà hình ảnh cũng có chất lượng quá kém.
Mang ra hàng điện thoại kiểm tra, anh mới ngớ người vì biết mình đã mua phải iPhone 5 "tàu". Liên lạc lại với người bán nhưng điện thoại đã tắt máy, đồng thời chủ đề rao bán cũng đã bị xóa, anh Tuấn chỉ còn cách chịu mất luôn số tiền mình bỏ ra.
Được biết hiện nay trên thị trường có rất nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc nhái theo kiểu dáng của iPhone 5. Những chiếc điện thoại này thường được nhập về Việt Nam từ 1-3 triệu đồng, giá càng cao thì trông càng giống hàng thật. Theo khuyến cáo của một chủ cửa hàng điện thoại, nếu ai chưa từng sử dụng iPhone hoặc các loại điện thoại cao cấp sẽ rất dễ bị lừa bởi những những sản phẩm dạng này.
Khách hàng lừa cả người bán
Không giống như những gì thường được biết khi hầu hết chỉ có người bán đi lừa người mua nhưng hiện nay tình trạng ngược lại cũng xuất hiện khá phổ biến. Và khi đó người bị hại cũng chỉ biết "kêu trời" mà chẳng thể làm gì được.
Thành viên Trung Bảo (Tp.HCM) của trang mua bán vatgia.com hiện đang là một nạn nhân bị "lừa ngược" như vậy. Bảo cho biết mình có một khách hàng quen có tên là Hợp (Nam Định), đã mấy lần chuyển hàng cho người này và đều giao dịch thành công cả. Mọi lần, Bảo đều gửi hàng khi nhận được 50% số tiền từ Hợp, số còn lại sẽ được Hợp gửi nốt khi nhận được hàng.
Sau những lần đó, Hợp đã tạo dựng được lòng tin với Bảo và trò lừa bắt đầu nảy ra từ đó. Lợi dụng sự tin tưởng từ các lần giao dịch trước, Hợp lấy lý do là sinh viên cần hiện đang khó khăn về tiền bạc nên yêu cầu Bảo gửi hàng trước và sẽ gửi đủ tiền sau. Do đã là khách quen nên Bảo đã chuyển số hàng trị giá gần 4 triệu đồng cho Hợp mà không cần nhận trước 50% tiền như những lần trước.
Đợi mãi không thấy Hợp trả mình tiền, Bảo có gọi điện lại nhưng không thấy nghe mặc dù máy vẫn có tín hiệu. Dùng số khác gọi đến thì có bắt máy nhưng khi hỏi "đây có phải là số của Hợp không" thì lập tực giập máy. Biết mình bị lừa và khó lấy lại được tiền, Bảo cũng chỉ còn cách tung thông tin cá nhân của Hợp và vụ việc này lên mạng nhằm cảnh báo người khác.
Trao đổi về tình trạng lừa đảo hiện đang phổ biến trên các website mua bán trực tuyến, đại diện của Vatgia.com cho biết người tiêu dùng trước hết cần phải biết cách bảo vệ quyền lợi của mình. Khách hàng nên lựa chọn những website có thương hiệu, uy tín, điều khoản dành cho cả bên bán và bên mua chặt chẽ, cách thức thành toán rõ ràng.
Bên cạnh đó người mua cũng cần tham khảo những ý kiến của người mua trước cũng như trang bị đầy đủ các kiến thức về sản phẩm nhằm nhận ra đâu là hàng nhái, hàng kém chất lượng, đại diện Vatgia.com đưa ra khuyến cáo.