Nhiều năm nay, sự riêng tư vẫn là một vấn đề nhạy cảm của Facebook. Điều này thể hiện rất rõ trong hồ sơ xin IPO mà hãng này nộp lên Ủy ban Chứng khoán & Hối đoái Mỹ: từ “riêng tư” xuất hiện tới 35 lần trong các tài liệu.
Riêng tư là mối đe dọa lớn
Facebook xếp mối lo ngại của người dùng về riêng tư là một “sự đe dọa tới công việc kinh doanh”, bởi vì riêng tư cá nhân, người dùng có thể hạn chế truy cập mạng xã hội. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, Facebook cho rằng việc ngày càng có nhiều người truy cập Facebook từ các thiết bị di động như smartphone và tablet sẽ khiến cho Facebook phải đối mặt với hàng loạt rắc rối.
Hồ sơ xin IPO sẽ buộc một doanh nghiệp phải tiết lộ rất nhiều bí mật của mình. Hồ sơ dày gần 200 trang của Facebook cũng vậy. Mạng này phải nêu ra những nguy cơ tiềm ẩn, những thông tin tài chính nội bộ và số liệu cập nhật về tốc độ tăng trưởng. Tính đến cuối năm ngoái, Facebook đang có 845 triệu người dùng thường xuyên ghé thăm.
Mối lo thầm kín
Không có gì lạ khi giọng điệu tổng quan của hồ sơ là lạc quan, nhưng Facebook cũng hé lộ một số quan ngại và nỗi sợ “thầm kín” của mình, nhất là việc xử lý không tốt thông tin do người dùng cung cấp. Lấy thí dụ, hồ sơ nói rằng nếu như Facebook vô tình tiết lộ dữ liệu người dùng hay bị hacker tấn công, truy cập dữ liệu, uy tín và danh tiếng của hãng sẽ lập tức chao đảo.
Lượng người dùng – và kéo theo là tình hình tài chính của hãng – có thể sẽ sụt giảm nếu dư luận trở nên quan ngại về các lựa chọn riêng tư. Chính vì thế, Facebook buộc phải tránh né các “chính sách hay quy trình liên quan đến những lĩnh vực như chia sẻ nội dung...”.
Trong quá khứ, Facebook đã từng bị chỉ trích dữ dội khi thay đổi mạnh mẽ thiết kế giao diện hoặc những tính năng liên quan tới quyền riêng tư. Chẳng hạn như Beacon, một dịch vụ công bố tất tật những gì mà bạn đã mua từ các website bán lẻ trực tuyến, hay mới đây là nhật ký thời gian Timeline... đều khiến người dùng hết sức lo ngại.
Sợ cả điện thoại
Smartphone cũng là một lĩnh vực mà Mark Zuckerberg không lấy gì làm thích thú cho lắm. Dù ứng dụng Facebook rất phổ biến trên các nền tảng di động song mạng này lại không kiếm được tiền trực tiếp từ đó, bởi họ không thể hiển thị quảng cáo.
Trong hồ sơ xin IPO, Facebook cũng nhấn mạnh sự tăng trưởng về truy cập Facebook từ điện thoại và tablet, thay vì từ PC là một nguy cơ. Đối với phiên bản desktop, Facebook đã bắt đầu chèn quảng cáo vào trang chủ của người dùng: những thông tin cập nhật từ các thương hiệu mà người dùng hoặc bạn bè của họ đã “Like” sẽ hiện ra trên trang thường xuyên. Điều này chưa được triển khai cho ứng dụng di động.
Cơ hội mới?
Không riêng gì Facebook mà toàn bộ ngành công nghệ vẫn đang loay hoay tìm cách kiếm tiền từ quảng cáo trên điện thoại. Google đã thử nghiệm nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công. Trong lá thư viết cho giới đầu tư, Zuckerberg tuyên bố phát triển ứng dụng di động là một “cơ hội mới” của Facebook.
Tuy nhiên, người dùng nên chuẩn bị tinh thần cho một thời điểm tương lai, khi họ phải đọc quảng cáo dành cho nước ngọt Coca-cola trước khi biết được bạn bè mình đang viết gì và làm gì trên Facebook.