Sau đó nhóm nghiên cứu khảo sát tần suất và thời gian các sinh viên truy cập mạng xã hội theo ngày, tuần và các đơn vị thời gian khác.
Kết quả cho thấy đa số sinh viên dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội nghĩ rằng cuộc sống của người khác hạnh phúc và suôn sẻ hơn so với cuộc sống của họ. Xu hướng này thể hiện mạnh nhất ở những người có thói quen kết bạn với người lạ trên mạng xã hội.
Nhóm nghiên cứu nói rằng đa số người sử dụng mạng xã hội chỉ công bố những sự kiện vui, tích cực – như chuyến du lịch ở nước ngoài, cuộc gặp ngôi sao điện ảnh, đám cưới hay lễ nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ. Rất ít người đưa những sự kiện buồn hay tiêu cực lên mạng xã hội. Vì thế khi vào mạng xã hội, chúng ta chỉ thấy những khía cạnh tích cực trong cuộc sống của người khác. Thực trạng đó khiến nhiều người cảm thấy “chạnh lòng” khi so sánh cuộc sống của bạn bè với cuộc sống của bản thân.
Một số sinh viên tham gia nghiên cứu thừa nhận rằng họ không bao giờ đưa những sự kiện buồn lên mạng xã hội để người khác ghen tị với cuộc sống của họ.
“Tôi muốn người khác nghĩ cuộc sống của tôi hoàn hảo và tôi không mắc bất kỳ sai lầm hay gặp bất kỳ biến cố nào trong cuộc đời. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy”, Nicolle May, một sinh viên, tâm sự.
Maram Mohamed, một sinh viên khác, ý thức được rằng những thứ mà con người đưa lên mạng xã hội không phản ánh đầy đủ cuộc sống thực của họ.
“Bản thân tôi cảm thấy nhiều người vẽ một bức tranh giả mạo về cuộc sống của họ trên mạng xã hội và cố gắng khiến người khác nghĩ rằng cuộc đời họ tốt đẹp hơn nhiều so với thực tế”, Mohamed bình luận.
Giới tâm lý nói mạng xã hội là công cụ hữu ích để kết nối với bạn bè và thế giới bên ngoài. Nhưng họ cũng khuyên những người sử dụng mạng xã hội không nên dành quá nhiều thời gian cho việc theo dõi những sự kiện vui của người khác. Chúng ta chỉ nên dõi theo cuộc sống của những người bạn thực sự mà chúng ta biết và thường xuyên liên lạc với những người thực sự quan tâm tới cuộc đời của chúng ta.