Theo Steve Wozniak, công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam không lạc hậu về công nghệ, khả năng quản lý và phát triển công việc hiệu quả. Ông Wozniak cũng khuyến cáo DN cần nhanh chóng ứng dụng các giá trị của những phát minh công nghệ mới ngay từ bây giờ để gia tăng sức cạnh tranh cho mình.
Cloud, Big Data không còn xa lạ
Hiện nay, ngày càng nhiều DN Việt quan tâm đến việc ứng dụng Cloud hay Big Data để quản lý vận hành và xử lý dữ liệu khách hàng. Big Data hay Cloud đang liên tục được nhắc đến như công cụ hữu hiệu giúp nâng cao hiệu suất công việc, giảm chi phí, bảo mật thông tin và quản trị DN đơn giản mà hiệu quả. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng nhiều DN vẫn đang lúng túng trong việc tiếp cận và băn khoăn về khả năng áp dụng những công nghệ này trong quản lý, vận hành kinh doanh.
Tại hội thảo SMAC 2015 ở TP HCM, Steve Wozniak khẳng định: “Cloud đang cực kỳ phát triển, đặc biệt là khi tất cả chúng ta đều đã quen với việc sở hữu, sử dụng một thiết bị di động có kết nối dữ liệu dù chúng ta đang ở bất kỳ đâu. Cloud hỗ trợ mọi công ty dù lớn hay nhỏ theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, Amazon giúp cho một công ty khởi nghiệp dễ dàng mở một cửa hàng và bán hàng nhanh chóng. Microsoft Office 365 giúp các công ty hoạt động trơn tru và quản lý tốt với các ứng dụng văn phòng, quản trị DN. Việc ứng dụng Big Data giúp “ra lệnh” cho máy móc dễ dàng hơn, biến chúng trở thành trợ lý cho chúng ta. Cloud giúp xây dựng đường truyền kết nối nhanh cho con người với dữ liệu lớn được lưu trữ trên đám mây, từ đó cung cấp thông tin, hình ảnh hỗ trợ cho kinh doanh”.
Ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc điện toán đám mây IBM Việt Nam, cho biết: “Cloud đang có vai trò rất lớn cho việc hình thành môi trường sáng tạo và tạo giá trị kinh doanh. Ngày nay, mọi thứ đều được xử lý trên nền tảng công nghệ này. Các tập đoàn như Airbus, Citi Group... đều tăng cường ứng dụng Cloud trong hoạt động kinh doanh của mình. Cloud giúp một DN có thể tạo ra những đột phá về kinh doanh và nếu không kịp thời ứng dụng thì có thể bị DN khác vượt qua”.
Ông Partha A.V, đại diện KPMG châu Á, nói: “Hiện Big Data và phân tích dữ liệu là ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo cùng với các kế hoạch đầu tư trong những năm tiếp theo. Big Data sẽ giúp DN hiểu khách hàng, xây dựng được ý tưởng khách hàng là trung tâm, giúp phát triển các thị trường mới nổi, đồng thời xây dựng các thị trường mới trên toàn cầu”.
Nền tảng cho kinh doanh
“Cloud và Big Data không phải giúp xây nên những ngọn núi to lớn mà giúp người dùng, DN thấy được gì xung quanh khi đứng trên đỉnh núi đó, đây là điều mà các DN Việt Nam cần nhìn ra” - ông Partha A.V ví von.
Ông Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, chia sẻ: “Big Data giúp chúng tôi nâng cao năng lực quản trị, phân tích, phát hiện và dự báo hiệu quả hoạt động kinh doanh. Big Data còn là nguồn gốc cho sự sáng tạo, phát triển sản phẩm thông qua việc hiểu hành vi của khách hàng để tạo ra gói sản phẩm phù hợp, hỗ trợ bán hàng và tiếp thị tốt hơn. Từ năm 2014, chúng tôi đã áp dụng Big Data tại Trung tâm 2, năm 2015 áp dụng toàn bộ trong tổng công ty và từ 2016-2020 sẽ cung cấp Big Data cho khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài”.
Theo ông Steve Wozniak, DN Việt Nam cần tập trung làm tốt các sản phẩm mình đang có, sau đó ứng dụng tiện ích của Big Data, Cloud từ các nhà cung cấp dịch vụ uy tín để giúp DN tạo ra sản phẩm ngày càng tốt hơn. Khi các DN đã triển khai tốt Cloud, Big Data thì sẽ xây dựng được những cơ sở dữ liệu lớn, nhờ đó có thể cung cấp các giải pháp, dịch vụ tới khách hàng bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Các công ty công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một hệ sinh thái cho mình khi kết hợp công nghệ với khả năng tạo ra các sản phẩm thực sự tốt.
“DN Việt Nam trước hết phải xây dựng một đội ngũ nhân viên làm việc tốt, phải vận động tư duy nhiều hơn, dám nghĩ, dám làm, kết nối các bộ phận, thành phần lại với nhau để định hình ra sản phẩm phù hợp, cần cung cấp những sản phẩm tốt nhất, nhanh nhất. Trong kinh doanh cần đi đúng vào trọng tâm công việc cũng như có những suy nghĩ khác biệt so với các DN khác. Rồi sau đó ứng dụng các công nghệ tiện ích để giúp công việc kinh doanh trôi chảy” - ông Steve Wozniak chia sẻ kinh nghiệm.
Cha đẻ của máy tính cá nhân Apple I
Năm 1976, Steve Wozniak hợp tác với Steve Jobs thành lập Công ty Máy tính Apple (Apple Computer Inc.) với sản phẩm đầu tiên là máy tính cá nhân Apple I do chính Wozniak thiết kế. Một năm sau đó, Steve Wozniak tiếp tục giới thiệu máy tính cá nhân Apple II với đồ họa đẹp mắt. Apple II đã trở thành một phần không thể thiếu đưa ngành công nghiệp máy tính cá nhân sang một trang mới. Hiện nay, sau khi rời Apple, ông đầu tư đáng kể cả thời gian và sức lực của mình cho các hoạt động giáo dục. Steve Wozniak tài trợ nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập cho sinh viên, giáo viên các trường học tại bang California - Mỹ. Ông cũng đã thành lập Quỹ Electronic Frontier và là nhà tài trợ sáng lập của Bảo tàng Công nghệ, Nhà hát Ballet Thung lũng Silicon và Bảo tàng Khám phá dành cho trẻ em của TP San Jose. Với tư cách là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực dữ liệu sơ cấp, ông là tác giả cuốn tự truyện bán chạy nhất của New York Times: “iWoz: Từ con nghiện máy tính tới biểu tượng được sùng bái” (NXB Norton).