Sau một thời gian im lặng kéo dài, Đông đã bất ngờ nhận lời trả lời phỏng vấn của Tạp chí Rolling Stone hồi tuần trước. Lần đầu tiên sau chừng ấy thời gian, Đông tiết lộ rằng cậu đang "cân nhắc" hồi sinh tựa game mà cậu đã thẳng tay xóa khỏi hai quầy ứng dụng iOS và Android. Nhưng để phòng ngừa tình trạng người dùng lại nghiện game mà chơi tới quên ăn quên ngủ như trước, Đông sẽ bổ sung thêm lời nhắc "Làm ơn hãy nghỉ ngơi" vào game.
Chỉ có điều mọi chuyện chưa chắc đã diễn tiến đến được bước đó, do một điều khoản bên trong thỏa thuận mà Apple đã ký với các nhà phát triển ứng dụng.
"Nếu bạn xóa ứng dụng của mình, bạn sẽ không thể khôi phục nó", tài liệu này viết rõ. "Tên ứng dụng cũng như SKU sẽ không thể được tái sử dụng bởi cùng một tổ chức".
Về cơ bản, thỏa thuận TOS của Apple ám chỉ rằng Đông đã mất quyền sử dụng tên gọi Flappy Bird trên iOS cũng như toàn bộ doanh thu quảng cáo đi kèm (mà theo ước tính của một số người lên tới 50.000 USD/ngày). Kể cả khi Đông đã đăng ký và toàn quyền sở hữu tên gọi Flappy Bird đi nữa, cậu cũng không thể dùng lại cái tên này trong các dịch vụ do Apple cung cấp. Rất may là Google Play không có điều khoản nào tương tự.
Độc giả có thể tham khảo các quy định của Apple về việc xóa bỏ ứng dụng tại đây.
Trang Business Insider cho biết đã liên hệ với Apple để hỏi liệu trường hợp này có được coi là ngoại lệ hay không và sẽ cập nhật thông tin ngay khi có được câu trả lời từ phía Táo khuyết. Nhưng các nhà phát triển khác mà họ trò chuyện đều xác nhận rằng Apple quy định hết sức cụ thể về tên gọi các ứng dụng trên App Store. Quy định này - trừ phi được điều chỉnh - có thể sẽ tước vĩnh viễn Flappy Bird ra khỏi tay Nguyễn Hà Đông.
Một hãng lập trình có tên Mobile Media Partners (đã phát hành game Crashy Bird ăn theo Flappy Bird) đã cố đăng ký tên gọi Flappy Bird chỉ hai tiếng sau khi Đông xóa bỏ tựa game gốc khỏi iOS. Hãng này tuyên bố đã có kế hoạch sử dụng tên gọi này và đơn xin đăng ký bản quyền tên gọi cũng đang chờ xét duyệt. Nếu như Đông đã có bản quyền trước, cậu sẽ có thể kiện Mobile Media Partner và ngăn không cho hãng này phát hành game "Flappy Bird" mới, nhưng bản thân Đông thì vẫn bị Apple chặn không cho sử dụng lại thương hiệu Flappy Bird.
Quy định của Apple khiến Nguyễn Hà Đông gặp khó?
"Một trong các kỹ sư của chúng tôi trong khi tải game lên vào ngày Chủ nhật hôm đó (ngày mà Đông gỡ game xuống. Chúng tôi gõ thử cái tên Flappy Bird vào thì thấy tên đó available (được chấp nhận). Chứ không phải là chúng tôi chầu chực và nhảy vào ngay khi cậu ấy xóa game đi", Giám đốc điều hành Chris Langbein của Mobile Media Partner trần tình. Với tên Flappy Bird đã đăng ký được, Mobile Media đang nghĩ cách liên hệ với Đông để bàn về kế hoạch tương lai của Flappy Bird.
Langbein cũng tin rằng dù cho lý do thực sự của việc Đông gỡ bỏ game là gì, cậu cũng không có kế hoạch khôi phục lại nó. Vì thế, ông đã "sốc" khi đọc được thông tin Đông đang tính đến chuyện hồi sinh Flappy Bird. "Tôi hy vọng cậu ấy biết chuyện đó là không thể, nhưng vẫn chưa có cách nào nói chuyện được với Đông", Langbein cho biết.
Business Insider đã hỏi Langbein về việc ông sẽ làm gì nếu như Đông gọi đòi lại tên. "Nếu như đó là quyết định của Apple. Cậu ta sẽ không thể có lại được tên gọi đó kể cả khi nó còn available. Nhưng nếu như cậu ấy muốn gọi tôi và thảo luận thì tôi sẵn sàng", Langbein trả lời.
Tại thời điểm này, cái tên Flappy Bird đang được đặt cho một tựa game chưa phát hành trên iOS. Mobile Media cho biết tựa game này sẽ đơn giản nhưng không sao chép phong cách nghệ thuật của Flappy Bird gốc. Trong khi đó, nếu như Đông muốn đưa tựa game của mình trở lại thật sự, cậu sẽ phải cần đến một cái tên mới trên iOS và sẽ không thể tiếp cận với 50 triệu người dùng đã download tựa game này trước đó.