Các đại gia lĩnh vực này phát hiện họ có thể dùng ảnh hưởng đáng kể của mình để tỏ rõ lập trường và yêu cầu thay đổi chính sách. Chỉ riêng đầu tháng này, một nhóm nhà điều hành (CEO) dọa thu hẹp đầu tư, hoán đổi nhân viên và rút hàng triệu USD khỏi hoạt động kinh tế của một số bang đã thông qua những đạo luật trái ý họ.
CEO của Apple, Tim Cook, đã công khai lên tiếng chống đạo luật ở hơn hàng chục bang mà theo ông là “cho phép kỳ thị người hàng xóm”. Theo trang tin Cnet, ông Cook cùng với 70 CEO của các công ty - trong đó có Twitter, LinkedIn và Yeld - đã phê phán các đạo luật ở Indiana và Arkansas vốn được soạn thảo để hậu thuẫn “tự do tôn giáo” nhưng bị chỉ trích là cổ vũ cho sự kỳ thị cộng đồng đồng tính và chuyển giới.
Nhà sáng lập phần mềm bán hàng và tiếp thị Saleforce Marc Benioff cũng chống lại các đạo luật của 2 bang Indiana và Arkansas, đồng thời nêu bằng chứng thành công là đã có những tu chính các đạo luật đó. “Đã đến lúc quyết định. Chúng ta hãy sử dụng quyền lực” - ông Benioff nói sau cuộc tiếp xúc với ứng cử viên tổng thống tiềm năng Jeb Bush.
GS David Yoffie thuộc Học viện Kinh doanh Harvard nhận định: “Hãy nhìn Cook, Bennioff và khó có thể thấy trường hợp tương tự trong 10-20 năm tới. Sẽ có những vấn đề chính trị và các cuộc tranh cãi về khả năng dấn thân vào hàng loạt vấn đề xã hội của CEO công nghệ cao trong 12-18 tháng tới”. GS Yoffie dự báo giới công nghệ cao sẽ chi phối các cuộc bầu cử sắp tới.
Trên thực tế, hoạt động xã hội của các đại gia công nghệ cao đã ghi dấu ấn từ lâu với nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates - người cam kết dành một phần tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Công tác thiện nguyện đơn thuần đã bắt đầu thay đổi cách nay 7 năm khi Apple tuyên bố chống lại dự luật số 8 về loại trừ hôn nhân đồng tính của bang California. Một nhân vật trẻ cũng từng mạnh mẽ lên tiếng về những vấn đề trọng đại quốc gia, như chăm sóc sức khỏe và nhập cư, là nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.