Bắt đầu kể từ lúc 9h sáng ngày thứ Năm (23/12), trang chủ của công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google được trang trí bằng một tấm thiệp cho màu Giáng sinh gồm 17 tấm ảnh đồ họa tương tác tương ứng. Theo Micheal Lopez, chuyên gia phụ trách thiết kế các logo đặc biệt (còn được gọi là các Doodle) cho Google, tấm thiệp Giáng sinh mà Google mang đến cho hàng trăm triệu người dùng của mình trong năm 2010 này đã được 5 nghệ sỹ làm việc cật lực suốt 250 giờ đồng hồ. Tuy vậy, tấm thiệp này sẽ chỉ được hiển thị trên trang chủ của Google trong 2 ngày rưỡi.
"Chúng tôi muốn kết thúc một năm bằng một vụ nổ”, Micheal Lopez nói. Với Google, mục tiêu của họ là phải làm sao đưa hình ảnh một Google thân thiện và nổi bật đến với người dùng của họ, những người đang ra hơn 1 tỷ lệnh tìm kiếm mỗi ngày trên công cụ tìm kiếm này, mà không khiến họ cảm thấy bị... làm phiền.
Theo ước tính, kể từ năm 1998 đến nay, Google đã cho ra đời khoảng hơn 900 doodle, riêng trong năm 2010 họ đã “trưng” lên trang chủ của mình 270 chiếc, một số được hiển thị trên toàn cầu nhưng cũng có một số được thiết kế riêng cho một thị trường nào đó, ví dụ như nhân dịp quốc khánh của quốc gia nào đó, những người dùng Google ở đó mới xem được.
Trong quá khứ, những doodle của Google thường chỉ được thiết kế một cách đơn giản bằng những hình ảnh người tuyết đặc trưng cho mùa Giáng sinh nhưng kể từ khi Micheal Lopez lên làm trưởng nhóm phụ trách thiết kế doodle, ông đã quyết định nâng tầm sáng tạo và sự ứng dụng công nghệ vào thứ tưởng chừng như chỉ để cho vui này. Đó cũng chính là lý do vì sao trong năm 2010, người dùng Google được chứng kiến những doodle là một trò chơi điện tử (PacMan), một đoạn video hay một logo ảnh 3 chiều.
Ví dụ, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của nam danh ca John Lennon trong ban nhạc huyền thoại The Beatle, logo của Google đã được cách điệu thành một tấm ảnh với những chữ “O” trở thành chiếc mắt kính của Lennon và nếu người dùng bấm chuột vào đó, một đoạn video dài 30 giây sẽ trình diễn lại phần dạo đầu của ca khúc “Imagine” nổi tiếng.
Theo tiết lộ của ông Lopez, dự định ban đầu của nhóm thiết kế doodle năm nay sẽ là 17 tấm ảnh đồ họa tương tác thể hiện lại khung cảnh Giáng sinh của các vùng khác nhau trên thế giới và cứ mỗi 3 ngày Google sẽ “treo” một tấm cho đến đúng ngày Giáng sinh là tấm cuối cùng. Nhưng khi mọi việc đã gần hoàn tất thì đúng tuần trước, ban lãnh đạo Google quyết định sẽ đưa toàn bộ 17 tấm ảnh này hiển thị cùng lúc. Sau 6 tháng hì hục thiết kế, cuối cùng các nghệ sỹ đột nhiên phải “vắt chân lên cổ” để chạy cho kịp tiến độ.
Micheal Lopez còn cho biết, ngay từ hồi tháng 7, ông đã gặp gỡ 4 thành viên trong đó có một người vừa tốt nghiệp trường thiết kế Rhode Island và một người chuyên vẽ truyện tranh thiếu nhi để lập ra nhóm thiết kế doodle Giáng sinh. Họ đã cùng nhau thảo luận về rất nhiều những đề tài khác nhau nhưng cuối cùng quyết định sẽ tập trung vào các chủ đề về thức ăn, những điệu nhảy, kiến trúc và nghề dệt.
Micheal Lopez đã chia doodle Giáng sinh này thành 17 “cảnh” khác nhau và phân công cho từng người trong nhóm, riêng ông tự đảm nhận 6 cảnh. Hàng tháng họ sẽ nhóm họp để tiếp tục thảo luận và bổ sung chi tiết, báo cáo tiến độ làm việc của mình.
Cho đến khoảng giữa tháng 12, nhóm của Lopez đã hoàn tất cơ bản và dự kiến sẽ mất thêm khoảng 100 giữ nữa trước khi chuyển sang cho các lập trình viên viết code và xây dựng cơ sở tương tác. Ông tính khoảng 1 tuần trước Giáng sinh là mọi việc sẽ hoàn thành nhưng rồi đến giờ phút cuối cùng, ban lãnh đạo Google cho rằng ý tưởng trình diễn lần lượt từng “cảnh” sẽ không hiệu quả bởi trong dịp lễ này, nhiều người sẽ không thường xuyên dùng máy tính và họ sẽ bỏ lỡ khá nhiều cảnh khác nhau nên quyết định cuối cùng là cả 17 cảnh sẽ được “treo” cùng một lúc.
“Chơi cùng logo” là một nét văn hóa khá đặc trưng của Google kể từ sáng kiến của nhà thiết kế đồ họa Ruth Kedar hồi năm 1998. Tháng 8/1998, hai nhà sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin quyết định trang trí logo của hãng theo biểu tượng “Người cháy” (Burning Man), một lễ hội được tổ chức hàng năm ở vùng sa mạc Nevada mà khi đó họ đang tham dự.
Năm 2000, họ yêu cầu Dennis Hwang, một sinh viên thực tập tại Google tìm cách tích hợp các doodle vào logo của hãng theo từng sự kiện với yêu cầu là khi người dùng cảm thấy thích thú với doodle đó, họ có thể bấm chuột vào đó để xem thêm thông tin liên quan.
Một trong những sự trăn trở lớn nhất của Lopez và nhóm thiết kế doodle cho Google rằng: Họ phải làm thế nào để mọi người nhìn vào đó và cảm nhận được không khí lễ hội chứ không gợn lên những sự khác biệt về tôn giáo. Để tham khảo, Google đã công bố một địa chỉ e-mail ( proposals@google.com ) để người dùng đóng góp ý kiến.
Các doodle của Google thời gian gần đây thương thể hiện sự hoài niệm về quá khứ và chúng đã khiến rất nhiều người dùng thích thú. Hồi năm 2009, một thành viên của bộ phận phát triển doodle của Google đọc được bài báo nói về sinh nhật lần thứ 25 của game xếp hình nổi tiếng Tetris, Google đã phải liên lạc với hãng phần mềm Blue Planet Software ở tận Honolulu, hãng đang giữ bản quyền game này để xin phép được viết một doodle với chủ đề về Tetris. "Chúng tôi xử lý xong vấn đề bản quyền trong vòng 2 tiếng đồng hồ, một khoảng thời gian nhanh kỷ lục”, David Kwock, tổng giám đốc của Blue Planet cho biết.
Năm 2003, nhân kỷ niệm 50 năm ngày James Watson và Francis Crick khám phá ra DNA, Google đã phóng tác 2 chữ O trên logo của mình theo hình dáng của những chuỗi xoắn kép DNA nhưng họ đã để lọt một điểm sai. Ngay sau đó, Google nhận được cả núi e-mail của các nhà di truyền học đề nghị họ sửa lại.
Trong ngày lễ Tạ ơn năm nay, Google đã ra mắt một doodle kéo dài trong 3 ngày. Ngày thứ nhất là một logo được tạo ra từ những bức ảnh chụp các “đồ phụ kiện” của lễ Tạ Ơn, ngày thứ 2 là chuỗi các thao tác nướng bánh và ngày thứ 3 là cả một chú gà tây nhồi. Khi bấm vào doodle này trong 2 ngày đầu, người dùng sẽ khám phá ra rằng đây là tác phẩm của Ina Garten, một ngôi sao truyền hình đồng thời là tác giả của cuốn sách dạy nấu ăn nổi tiếng "Barefoot Contessa".
Trước khi lễ Tạ Ơn diễn ra, cô Garten nhận được một bức email của Google mời hợp tác sáng tạo một doodle. Hai nhân viên thiết kế của Google đã phải bay đến East Hampton (bang New York) để gặp gỡ và bàn bạc với Garten. Họ đã phải mất trọn vẹn một ngày để cùng nhau thống nhất ý tưởng.