Tại hội thảo đánh giá 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh, góc nhìn từ phía doanh nghiệp (DN) do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua, rất nhiều DN kiến nghị cần phải xem xét lại một số quy định trong luật để việc thực thi rõ ràng, minh bạch hơn. Ông Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc Tư vấn pháp luật Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, cho rằng đang có tình trạng quy định pháp luật ở Việt Nam không theo kịp thị trường và cơ quan quản lý có nhiều cách hiểu khác nhau. Ngay về cạnh tranh không lành mạnh hiện cũng có rất nhiều cơ quan quản lý từ hải quan, Cục Quản lý cạnh tranh, QLTT rồi chính quyền địa phương dẫn tới chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm...
Khó xác định thị phần thống lĩnh
Luật sư Trần Anh Tuấn, Công ty Luật LNT & Partners, cho biết hiện phần lớn các DN đều thuê công ty dịch vụ nghiên cứu thị trường có uy tín nhằm xác định thị phần và mức độ cạnh tranh trên thị trường. Nhưng kết quả khảo sát này lại không thể sử dụng làm kết quả tham chiếu theo quy định, khiến DN khá lúng túng trong việc xác định đúng thị phần của mình từ đó vận dụng quy định trong Luật Cạnh tranh. Ngay với tiêu chí thống lĩnh thị trường, theo quy định ở Việt Nam là DN chiếm từ 30% thị phần trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh đáng kể nhưng ở các nước như Malaysia, con số này có thể lên tới 60%. Bởi thực tế, trong một số ngành dù DN chiếm hơn 30% cũng không đủ để thao túng thị trường, không điều tiết được giá...
Nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định đúng thị phần của mình.
(Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Theo quy định trong Luật Cạnh tranh, thị phần của DN đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định là tỉ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của DN này với tổng doanh thu của tất cả DN kinh doanh loại hàng hóa dịch vụ đó trên thị trường. Nhưng trường hợp DN kinh doanh nhiều loại sản phẩm, dịch vụ và thị phần của mỗi loại được xác định khác nhau thì tính như thế nào, cơ quan nào có chức năng làm điều này? Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc đối ngoại và pháp lý Công ty TNHH Friesland Campina, cho biết trường hợp của Tập đoàn FrieslandCampina có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới, ngay tại Việt Nam cũng có nhiều dòng sản phẩm từ Dutch Lady, Friso, Yomost, Fristi thì đánh giá khả năng gây hạn chế cạnh tranh của DN như thế nào?
“Hiện không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm việc xác định thị phần có giá trị pháp lý, giúp DN có thể minh chứng được hoạt động kinh doanh của mình là đúng để tuân thủ. Chưa kể, thị phần chỉ là một trong các yếu tố, chứ không mang tính chất quyết định hành vi của DN có gây hại đến cạnh tranh hay không?” - bà Trần Chi Anh, luật sư Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam, nhận xét.
Luật cứng nhắc, khó kiểm soát
Bà Trần Chi Anh cho rằng: “Ngay trong lĩnh vực kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam cũng rất khó áp dụng khi chỉ xem thị phần là điều kiện duy nhất. Bởi thực tế điều này không có nhiều ý nghĩa, do cách tiếp cận của luật là nếu DN chiếm từ 30%-50% thị phần phải thông báo và trên 50% thì bị cấm nhưng việc xác định lại rất khó khăn. Luật Việt Nam có lẽ nghiêm khắc nhất trên thế giới, bởi trong bối cảnh các nước, một số DN ở lĩnh vực như công nghệ (nghiên cứu phát triển ra những sản phẩm mới) thị phần có thể tới 100% vẫn được đi mua lại hoặc hoạt động trong các lĩnh vực tương đương. Việc chưa thực thi được tập trung kinh tế do bất cập của luật. Chúng tôi làm việc với DN và họ chọn cách là không thông báo, dù theo luật phải xin miễn trừ nên hầu như cơ quan quản lý không kiểm soát được. Nếu không có một chính sách khoan hồng để hạn chế và khuyến khích DN báo cáo những hành vi phối hợp, bắt tay nhau thì việc phát hiện hạn chế cạnh tranh rất khó”.
Nhìn ở một góc độ khác, ông Trần Võ Quốc Sơn lo ngại: Với những tập đoàn đa quốc gia khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,6%-6,7% đồng nghĩa việc các tập đoàn này cũng phải tăng trưởng tương đương để đạt lợi nhuận. Một trong những giải pháp hiệu quả là mua bán DN nhưng nếu mua từ 30%-50% thì phải thông báo trước cho cơ quan quản lý, dù có thể bị từ chối. Còn nếu mua trên 51% thị phần thì rất khó được chấp thuận. Do đó, DN kiến nghị điều chỉnh quy định này linh hoạt hơn giúp DN có thể mua bán với đối tác dễ dàng hơn.
Hơn 300 vụ khiếu nại cạnh tranh không lành mạnh |
LINH ANH