Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 sáng ngày 28-2-2024, đại diện các Tập đoàn và doanh nghiệp niêm yết một lần nữa đã bày tỏ nguyện vọng sát cánh cùng Chính phủ để đóng góp, phục vụ sự phát triển của TTCK, phát triển nền kinh tế và phục vụ các doanh nghiệp nói chung trong thời gian tới, cũng như đã đồng hành cùng phát triển thị trường giai đoạn vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (thứ 6 từ trái sang) tặng hoa ghi nhận sự đóng góp của thành viên thị trường vì thị trường chứng khoán nhân buổi gặp mặt tổ chức vào ngày 28-7-2022
Quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "TTCK đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa. Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh".
Vào ngày đầu giao dịch (28-7-2000), TTCK chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên, đến cuối năm 2023 đã có gần 2,3 nghìn doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động. Quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỉ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.
"Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp", Thủ tướng phát biểu.
Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Thủ tướng nêu ra nhiều nội dung, trong đó người đứng đầu Chính phủ khẳng định quyết tâm nâng hạng thị trường và tập trung phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, cung cấp vốn cho thị trường, phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái chứng khoán.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải như London, New York..."
Tại Hội nghị, sự kiện 100 ngày giải cứu HoSE đã được nhắc lại. Nhớ lại năm 2021, sự cố nghẽn lệnh sàn HoSE nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thanh khoản của HoSE cứ đạt tới khoảng 13.000 - 16.000 tỉ đồng /phiên là rơi vào "tắc nghẽn", hệ thống quá tải, không nhận lệnh…
Đến tháng 3-2021, tại sự kiện "Đối thoại 2045, lãnh đạo Tập đoàn Sovico và FPT đã đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tham gia xử lý vấn đề nghẽn hệ thống tại sàn HoSE.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, là chuyên gia trong ngành tự động hoá, đã có đánh giá sơ bộ và bàn với lãnh đạo FPT về khả năng "giải cứu" HoSE. Bà cho rằng với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, sàn chứng khoán HoSE phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hay New York về mặt công nghệ.
Chủ tịch SOVICO Nguyễn Phương Thảo
Bà ủng hộ ý kiến của ông Trương Gia Bình và khẳng định các tập đoàn công nghệ Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT... cùng kinh nghiệm và sáng kiến của những doanh nhân, có khả năng xử lý sự cố nghẽn giao dịch này. Khảo sát sơ bộ đã cho thấy cần khoảng 3 tháng và chi phí khoảng 60 tỉ đồng. Các doanh nghiệp tư nhân tài trợ toàn bộ chi phí, nguồn lực cho dự án cấp thiết này.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trương Gia Bình đều là lãnh đạo của những doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm VN30 trên HOSE, với hàng chục nghìn nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài là cổ đông; những doanh nghiệp điển hình mang lại những giá trị, niềm tin cho các nhà đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Sau 3 tháng như dự tính, hệ thống mới do Sovico và FPT thực hiện đã được chuyển giao, đưa vào vận hành thông suốt, an toàn với năng lực xử lý gấp 3-5 lần hệ thống cũ. Giá trị và khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên lập tức lập những kỷ lục mới, tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.
Sự kiện trên đã góp phần đảm bảo tính ổn định, liên tục của thị trường vốn, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2021, giữa bối cảnh đại dịch, chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy, HoSE vẫn giao dịch tích cực trên dưới 30.000 tỉ mỗi phiên, là điểm sáng của tài chính và nền kinh tế nước nhà. Tới nay, hệ thống vẫn đang vận hành liên tục, có những phiên đã giao dịch tới 50.000 tỉ đồng.
Với "món quà" từ Diễn đàn "Đối thoại Việt Nam 2045", Tập đoàn Sovico và FPT đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao Bằng khen về thành tích xuất sắc "giải cứu" HoSE.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao bằng khen cho Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn FPT thành tích xử lý nghẽn lệnh HoSE
Qua sự kiện xử lý sự cố nghẽn lệnh HoSE, theo đại diện Sovico, các doanh nghiệp lớn sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế lớn của đất nước bằng nguồn lực và chi phí của mình. Cùng với mục tiêu nâng hạng TTCK, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia, tài trợ các chương trình lớn, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia, xây dựng những công dân số, nền kinh tế số. Phía trước là một tương lai tươi sáng cho kinh tế số và thị trường chứng khoán- thị trường vốn, với tinh thần tự lực, tự cường, năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam.