Các vấn đề thường gặp trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Hội thảo do Quỹ Chăm sóc Sức khỏe Gia đình Việt Nam (Quỹ CSSKGĐ Việt Nam) và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương - Bộ Y tế (Trung tâm) phối hợp cùng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk thực hiện. Đây là hoạt động thường kỳ nhằm lan tỏa kiến thức, tập huấn kỹ năng về chăm sóc sức khỏe chủ động đến các đối tượng cần được quan tâm trong xã hội như thanh niên, phụ nữ và người cao tuổi.
200 đại biểu đến từ Hội Người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk đã được chia sẻ về thực trạng già hóa dân số của nước ta từ năm 2011. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%. Tuy nhiên, thống kê cho thấy 1 NCT mắc trung bình 2,69 bệnh và chịu 14 năm bệnh tật.
200 đại biểu NCT tham dự hội thảo. (Ảnh: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Vấn đề sức khỏe ở NCT thường là mắc phải bệnh mãn tính kết hợp với sa sút trí lực do lão hóa. Nguyên nhân là do thói quen lối sống thiếu lành mạnh, ít vận động kết hợp dinh dưỡng mất cân bằng, thiếu chất,… từ đó gây ra suy giảm miễn dịch, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nâng cao kiến thức và tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe chủ động ở người cao tuổi
Nhấn mạnh quan điểm "Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển" trong Nghị quyết 20 của BCH TW về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", ông Vũ Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) chia sẻ, một trong những nhiệm vụ nâng cao sức khỏe nhân dân là tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam; khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt.
Để triển khai Nghị quyết này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh đến năm 2030. Trong đó, 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng và 90% NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Ông Vũ Mạnh Cường phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Tính riêng tại Đắk Lắk, toàn tỉnh có 167.234 NCT, chiếm tỷ lệ 8,9% dân số. Trong năm 2023, Hội Người cao tuổi tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện "Tháng hành động vì người cao tuổi" với các hoạt động thiết thực như tổ chức hội thao; khám tư vấn sức khỏe miễn phí; tổ chức liên hoan "Tiếng hát người cao tuổi" nhằm chăm lo sức khỏe và xây dựng đời sống tinh thần phong phú cho các hội viên.
Ông Hoàng Sách Đình trình bày giải pháp dinh dưỡng cho NCT thông qua các sản phẩm có chứa sữa non. (Ảnh: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Bên cạnh nguồn lực xã hội, mỗi cá nhân cần nâng cao kỹ năng bảo vệ sức khỏe chủ động của bản thân. Thạc sĩ Hoàng Sách Đình, Chuyên gia dinh dưỡng, thành viên đại diện Quỹ CSSKGĐ Việt Nam cho biết: "Yếu tố then chốt chính là xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ chất. Mỗi người cần ăn uống đủ bữa, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu, tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chậm, nhai kỹ và ưu tiên thức ăn mềm hoặc xay nhuyễn. Bên cạnh dinh dưỡng đa lượng, người cao tuổi cũng cần bổ sung dinh dưỡng vi lượng như chất xơ, vitamin, khoáng chất".
Các đại biểu thắc mắc lựa chọn sản phẩm nào giúp bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày, ông Đình chia sẻ: "Uống sữa là thói quen đơn giản và hiệu quả giúp người cao tuổi bổ sung dinh dưỡng vi lượng trong mỗi bữa ăn. Các sản phẩm có thành phần sữa non từ sữa bò giúp bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất thiết yếu, đặc biệt cung cấp kháng thể IgG giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch chủ động cho cơ thể".
Nhiều đại biểu bày tỏ niềm phấn khởi khi học hỏi được kiến thức, kỹ năng bổ ích cho bản thân và gia đình qua hội thảo lần này, trong đó gồm có xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học theo hướng dẫn của chuyên gia, kết hợp điều chỉnh lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động và giảm thiểu căng thẳng. Kết hợp các yếu tố trên sẽ góp phần xây dựng nền móng vững chắc giúp mỗi người cao tuổi có được sức khỏe và hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống.