Vào năm 2011, Andriana Santonocito còn là một sinh viên thiết kế thời trang ở Milan khi lần đầu tiên cô có ý tưởng sản xuất hàng dệt may bền vững từ nguyên liệu tự nhiên dồi dào và thường bị lãng phí ở thành phố Catania thuộc Sicily, quê hương của cô.
Thách thức đối với cô là tìm ra cách để tận dụng được vỏ của hàng trăm nghìn tấn cam. Hiện tại, nhờ vào tư duy sáng tạo của Santonocito, chất xơ từ loại quả này đã có thể được sử dụng để tạo ra toàn bộ các mặt hàng quần áo khác nhau.
Ý tưởng tới từ bài luận văn
Ý tưởng của Santonocito được lấy cảm hứng từ một câu hỏi trong bài luận văn ở đại học của cô. Liệu loại lụa mỏng sang trọng có thể được làm từ các sản phẩm phụ của loại quả có múi (thường bị vứt đi hoặc làm thức ăn cho gia súc) hay không?
Câu hỏi này đặc biệt thích đáng ở Sicily, nơi hàng nghìn tấn cam được ép hằng năm, tạo ra một lượng lớn chất thải. Người phụ nữ 39 tuổi đã tìm được câu trả lời trong phòng thí nghiệm của trường đại học, và nhờ nó, cô đã nhận được bằng sáng chế.
Người ta đều biết rằng cellulose có thể được chiết xuất từ vỏ cam. Nhưng Santonocito đã phát hiện ra rằng bằng cách sử dụng thuốc thử hóa học, nó có thể biến thành dạng sợi, có thể được dùng để nhuộm và pha trộn với các nguyên liệu dệt khác như bông hoặc polyester.
Cùng với bạn đại học của mình là Enrica Arena, cô đã sáng lập Orange Fiber vào năm 2014, và bắt tay vào việc bán nguyên liệu giống lụa cho các công ty sản xuất quần áo.
Trong năm nay, nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của Ý Salvatore Ferragamo đã sử dụng nó trong bộ sưu tập thời trang xuân – hè của mình. Mục đích của việc sử dụng chất liệu này là để làm cho áo sơ mi, váy và khăn quàng bằng lụa mỏng cao cấp của hãng này bền vững hơn.
Orange Fiber, hiện gồm 12 nhân viên, hoạt động từ một nhà máy chế biến nước ép ở Sicily, nơi mà nó được lấy miễn phí sản phẩm phụ của nhà máy. Hoạt động kinh doanh của Orange Fiber mang tính mùa vụ vào những tháng mà nhà máy chế biến nước ép làm việc. Nhưng một khi vỏ cam đã được chuyển thành cellulose, nó có thể được lưu trữ để sử dụng sau này.
Antonio Perdichizzi, một nhà đầu tư ban đầu của Orange Fiber, cho biết công ty này gây ấn tượng với ông vì không giống như hầu hết các startups mang tính đổi mới ở Ý, nó không thuộc lĩnh vực kỹ thuật số. Ông nói thêm: "Ý không đầu tư nhiều vào sự đổi mới, nhưng những ý tưởng và kỹ năng nổi bật sẽ được đầu tư dù nguồn vốn là không nhiều."
Rosario Faraci, giáo sư kinh doanh, kinh tế và quản lý tại trường đại học Catania, nói rằng Orange Fiber là ví dụ về cách mà "tinh thần sáng tạo và kinh doanh" đang tạo ra những việc làm và kinh doanh mới trong khu vực.
Chất xơ thay thế chất béo
Những quả cam cũng có thể dùng để làm các món nướng tốt cho sức khỏe hơn và tươi mới hơn, nhờ vào một quy trình chế biến mới biến chúng thành một loại bột không béo mới. Kỹ thuật mới hiện đang được thử nghiệm tại trường đại học Catania và kết quả đang rất khả quan.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các thợ làm bánh đều sử dụng chất béo như bơ động hoặc thực vật trong quá trình làm bánh của họ. Nhưng theo nghiên cứu, ½ chất béo này có thể được thay thế bằng loại bột được chế biến từ vỏ, hạt và một phần cùi cam không được sử dụng trong sản xuất nước trái cây.
Giống như Orange Fiber, các nhà nghiên cứu lấy nguyên liệu họ cần từ các nhà sản xuất nước ép địa phương. Họ rửa sạch vỏ để loại bỏ vị đắng, sau đó làm khô, chế biến và làm trắng chúng.
Salvatore Barbagallo, giáo sư nông nghiệp của đại học Catania, cho biết loại bột này "hoàn toàn bền vững" và gần như chẳng tốn kém gì để sản xuất. Nó cũng không ảnh hưởng đến vị và hương thơm của thức ăn được làm từ nó.
Các nhà nghiên cứu đã làm 300 kg bột từ các sản phẩm phụ của cam và đưa cho các thợ làm bánh ở Acireale, gần Catania, dùng thử nó. Những đầu bếp, nổi tiếng về sự bảo thủ với các nguyên liệu mới, đều hài lòng với kết quả và không cảm nhận được sự khác biệt về vị trong bánh ngọt của họ.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra các ứng dụng khác cho loại bột mới của họ. Nó có thể hòa tan và cho thêm vào đồ uống để đem lại các lợi ích về sức khỏe. Nó cũng có thể được sử dụng bởi các nhà dinh dưỡng học và trong y dược.
Nhiên liệu tự nhiên
Nông dân Sicily luôn sử dụng vỏ cam làm thức ăn chăn nuôi và phân bón. Nhưng cam cũng có thể là một nguồn năng lượng quý giá. Tại Mussomeli, một thị trấn cổ gần Caltanissetta ở trung tâm Sicily, các sản phẩm chất thải từ cam có thể được dùng để tạo ra khí biogas để tạo thành điện.
Nông trường Nuova Scala đã sử dụng khoảng 16.430 tấn vỏ năm ngoái để sản xuất ra 24.000 kWh điện. Sản lượng thay đổi tùy vào lượng cam được sản xuất, và họ hy vọng sẽ xử lý được 22.000 tấn chất thải từ cam trong năm 2017.
Salvatore Imbesi, chủ sở hữu AgrumiGel, cho biết vỏ, hạt và các bộ phận không ăn được của cam được gọi là "pastazzo", và ông sản xuất ra khoảng 40.000 tấn pastazzo/năm. Ông nói toàn bộ Sicily sản xuất khoảng 200.000 tấn các sản phẩm phụ này từ cam/năm, dù các ước tính không chính thức cho thấy con số thực có thể còn cao hơn.
Các nhà sản xuất có động lực để tái sử dụng pastazzo, vì loại bỏ chúng có thể rất tốn kém. Ông Imbesi cho biết ở Sicily tổng chi phí loại bỏ chúng có thể lên tới 16 triệu Euro/năm bao gồm 6 triệu chi phí vận chuyển và 10 triệu cho việc vứt bỏ.
Cuối cùng, nhờ vào những giải pháp sáng tạo mới, những quả họ cam quýt đã có thể từ chất thải đắt đỏ biến thành các sản phẩm thú vị, đem lại lợi nhuận.