Với dân số hơn 10 triệu người, mỗi ngày TP HCM thải ra hơn 10.000 tấn rác các loại. Rác đi về đâu và xử lý như thế nào? Hãy đến "đại công trường" xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM) để có câu trả lời…
Miệt mài trên công trường
Khoảng 14 giờ, chúng tôi được chủ đầu tư của Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước cho "leo núi" trên chiếc xe điện hiện đại đưa lên trên ngọn của bãi chôn lấp rác. Nơi đây, mỗi ngày có hơn 400 công nhân (CN) cùng với kỹ sư, chuyên gia Mỹ làm việc ngày đêm để tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 tấn rác/ngày cho TP HCM.
Để đến được bãi chôn rác, chúng tôi phải mang ủng, vất vả đi bộ trên con đường đất gập ghềnh, trơn trượt do mưa lớn. Tôi thắc mắc hỏi cán bộ quản lý tên Cường vì sao không được trải nhựa cho dễ đi thì được anh giải thích: "Mỗi ngày, chúng tôi phải sử dụng khoảng 700 - 800 m3 đất đá để trải đường, giúp xe vận chuyển rác di chuyển lên bãi chôn lấp dễ dàng, không bị lún sụt. Công việc làm đường trên bãi rác diễn ra liên tục, theo độ cao của bãi chôn lấp nên không thể tráng nhựa mà chỉ trải đá; lớp đá này cũng sẽ được cào lên di chuyển đến khu vực khác của bãi chôn lấp. Đến nay, "ngọn núi rác" đã cao 25 m so mặt đất. Với khối lượng 5.000 tấn/ngày chồng lên độ cao 2 m, con đường dành cho xe vận chuyển cứ thế nâng cao lên".
Ông Kevin Moore - Giám đốc điều hành Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), người trực tiếp đưa chúng tôi lên đây - nói với khối lượng rác tiếp nhận mỗi ngày như thế, có thể chứa đầy một sân vận động. Mỗi ngày có khoảng hơn 500 lượt xe vận chuyển rác liên tục cả ngày lẫn đêm chuyển về Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước. Tại đây, các chuyên gia Mỹ và CN thay phiên nhau xử lý khối lượng rác khổng lồ. Các công đoạn được phối hợp nhịp nhàng. Xe rác nối đuôi nhau đến nơi tập kết, CN dùng xe cơ giới xúc đưa rác xuống bãi rồi tới lượt xe ủi bằng, xe chuyên dụng đến đầm nén. "Trong quá trình rác đổ xuống bãi, sẽ phun xịt liên tục để khử mùi, côn trùng…, sau đó dùng bạt che kín và hàng trăm viên bê-tông (mỗi viên nặng 30 kg) sẽ đè trên các tấm bạt. Chúng tôi phải làm kỹ như thế để tránh ô nhiễm môi trường" - ông Kevin Moore nhấn mạnh.
Trắng đêm với rác
Công việc xử lý rác như thế cứ diễn ra đêm ngày. Có tận mắt chứng kiến cảnh từ sáng đến đêm khuya, CN miệt mài trên núi rác mới thấy hết vất vả của họ.
Công nhân đang phun xịt khử mùi tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước
Anh Trương Văn Tài (ngụ ấp 1, xã Đa Phước) gắn bó với công việc nơi đây hơn 10 năm. Anh tâm sự: "Chúng tôi chia ca nhau, bắt đầu công việc từ 7 giờ 30 phút hôm nay đến 7 giờ 30 phút hôm sau. Vì rác quá nhiều nên chúng tôi phải tranh thủ làm ngày đêm, có hôm trời mưa to cũng không nghỉ".
Theo anh Tài, công việc ở đây tuy rất vất vả nhưng bù lại mọi người được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, lương cao đủ nuôi con, lo cho con ăn học. "Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của công ty, xem đây là nguồn cổ vũ để tiếp tục gắn bó với công việc nặng nhọc này" - anh Tài bày tỏ.
Gặp chị Nguyễn Thị Lệ Quyên (ngụ ấp 2, xã Đa Phước) đang lúi húi bên chiếc xe xúc, chị kể vợ chồng chị có 2 con nhỏ, gia đình nghèo nên cố gắng làm việc. Chị xin vào làm việc tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước được 5 tháng; từ bộ phận bơm nước cứu hỏa, chị được công ty chọn đào tạo lái xe nâng, xe xúc. Mỗi ngày chị lái xe khoảng 3 - 4 giờ và vì là lao động nữ nên chị được bố trí làm ca ngày. "Tôi chọn công việc này để được nâng tay nghề, có mức lương cao hơn, có thêm điều kiện để tiếp tục theo đuổi ngành môi trường mà mình hằng ao ước. Dù là công việc vất vả nhưng chúng tôi thấy vui vì góp sức nhỏ bé của mình cho công việc bảo vệ môi trường" - chị Quyên bộc bạch.
Công nhân Nguyễn Thị Lệ Quyên đang lái xe phun xịt khử mùi tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Tận lực vì môi trường
Như chia sẻ của chị Quyên, ở một nơi xử lý rác ngợp như núi này, mọi người luôn tận lực làm sao để bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhưng đồng thời hạn chế rác thải phát tán mùi hôi.
Chị cũng bày tỏ băn khoăn thời gian qua, có dư luận cho rằng mùi hôi xuất phát từ Khu Liên hợp Đa Phước. "Chúng tôi rất buồn khi nghe thông tin đó vì mọi biện pháp xử lý nghiêm ngặt đã được công ty triển khai, bản thân chúng tôi nỗ lực hết mình để chuyến xe rác nào về là xử lý ngay. Chúng tôi có cảm giác chưa được mọi người nhìn nhận công việc này một cách thỏa đáng" - chị Quyên trải lòng.
Ông Kevin Moore là người gắn bó với VWS từ những ngày đầu lập dự án, khảo sát, xây dựng, Khu Liên hợp Đa Phước. Ngay giữa khu liên hợp này, ông và các chuyên gia Mỹ sống, làm việc trong môi trường cảnh quan như giữa khu đô thị.
"Chúng tôi thiết kế văn phòng ngay cạnh bãi chôn lấp rác là để chúng tôi cũng kiểm chứng thực tế về mùi hôi tại đây. Từ ngày khu liên hợp đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi vận hành rất an toàn, không để xảy ra sự cố lớn nào" - ông Kevin Moore khẳng định.
"Ý thức cao việc bảo vệ môi trường, chúng tôi thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý rác theo chỉ đạo của UBND TP, Bộ Tài nguyên và Môi trường; lắp đặt các trạm quan trắc để kiểm soát việc phát tán mùi từ bãi chôn lấp. Xin hãy tin chúng tôi, bãi rác cao đến đâu, chúng tôi kiểm soát đến đó". Ông Kevin Moore
Công nhân Đa Phước kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Tập thể 400 CN Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước vừa có đơn gửi Quốc hội, Thường trực Chính phủ, lãnh đạo UBND - HĐND - Ủy ban MTTQ TP HCM cùng các sở - ngành kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ CN vệ sinh của VWS.
Tại đơn kiến nghị, CN cho biết trong những năm gần đây, có nhiều báo đài và một số người dân đã đưa thông tin cho rằng khu xử lý rác Đa Phước gây ra mùi hôi để gây sức ép lên ban giám đốc công ty và dĩ nhiên sức ép đó cũng được áp đặt lên CN vì họ là những người chịu trách nhiệm tiếp nhận và vận hành, xử lý khối lượng rác trên 5.000 tấn/ngày cho TP HCM. Theo CN, việc quy kết mùi hôi gây ra là do công ty không xử lý tốt là không đúng. Thay vào đó, mùi hôi thối xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như: trên 500 xe chở rác chạy trên tất cả các con đường trong TP và các xe rác gây ra mùi hôi và nước rỉ rác chảy đầy tự động trên các đoạn đường vì là rác hữu cơ, rác có độ ẩm ướt cao; trong các trung tâm dân cư có các trạm trung chuyển rác, sự đổ rác xuống rồi múc rác lên xe và các trạm trung chuyển tồn đọng rác cũng gây ra mùi hôi trực tiếp tại khu dân cư; các nhà máy xử lý nước và cung cấp nước tại ngay trung tâm dân cư không làm tốt việc xử lý mùi của bùn nước cũng gây nên mùi hôi; các con sông, rạch lúc nước lớn và nước cạn, lúc nước kênh rạch rút cạn cũng gây nên mùi hôi tanh của bùn; các cống rãnh ngay trước nhà dân cũng gây ra mùi hôi thối, đặc biệt là sau khi đường sá bị ngập nước sau khi nước rút đi cũng đưa khí và mùi hôi lên ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư… Bên cạnh đó, kết khu xử lý rác Đa Phước còn có các nhà máy xử lý phân hầm cầu (xử lý ngoài trời); khu tiếp nhận chôn lấp bùn cống rãnh ngoài trời (bùn này trước kia ở Bình Hưng nhưng do bị người dân phản đối nên dời về đây); nghĩa trang và nhà thiêu xác. Mùi hôi thối khó chịu chủ yếu phát tán ra từ công ty sản xuất phân và chôn lấp bùn cống rãnh.
Vì những nguồn phát tán mùi hôi như nói trên, CN kiến nghị các cơ quan nói trên có biện pháp chỉ đạo kiểm tra tổng thể, nhất là đối với các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm khu vực Khu Liên hợp Đa Phước; có biện pháp bắt buộc những cơ sở, nhà máy này phải làm tốt hơn việc xử lý chất thải để tạo sự công bằng, bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho chủ đầu tư Khu Liên hợp Đa Phước cũng như không làm ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ CN lao động nơi đây.