Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM ngày 7-8 phối hợp UBMTTQ Việt Nam TP HCM và các quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh tổ chức cho người dân vào giám sát quá trình xử lý chất thải tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM). Những gì tai nghe mắt thấy đã cho người dân thông tin chính xác về việc phát tán mùi hôi trong những ngày qua từ khu vực này.
Người dân cảm nhận những gì?
Hiện có 3 doanh nghiệp hoạt động ở Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, gồm: Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS - xử lý rác), Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xử lý bùn cống rãnh) và Công ty CP Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (xử lý bùn hầm cầu).
Đại diện cư dân Phú Mỹ Hưng ký biên bản buổi giám sát
Người dân lần lượt đi khảo sát tại 3 đơn vị. Tại điểm khảo sát đầu tiên là khu xử lý rác, đoàn công tác cùng người dân được VWS - chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước - đưa đi tham quan khu vực chôn lấp, khu xử lý nước thải và nhà máy thu khí gas phát điện.
Đại diện VWS cho biết, đây không phải lần đầu tiên người dân vào đây tham quan. Thời gian qua, công ty thường xuyên mở cửa cho các đoàn thể cùng người dân tham quan, tận mắt chứng kiến quy trình xử lý rác, việc bảo đảm vệ sinh môi trường như thế nào.
Xe đưa người dân lên đỉnh bãi chôn lấp rác của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Thực tế qua những gì người dân chứng kiến cho thấy, khu chôn lấp hiện cao khoảng 14 mét và gần như các ô chôn lấp được phủ kín. Quá trình đi từ chân bãi rác lên đến đỉnh bãi rác vẫn nghe mùi rác nhưng nồng độ không đậm đặc. Với đặc thù của một nơi tập kết rác lớn cho cả thành phố, việc phát sinh mùi hôi ngay trong khu vực xử lý rác là khó tránh khỏi.
Ông Đỗ Văn Hổ (ngụ ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) nói: "Nhà tôi cách khu vực này chỉ một con sông, trước đây cũng bị ảnh hưởng mùi hôi nhưng hôm nay tôi nhận thấy không còn nồng nặc như trước. Việc xử lý nước rỉ rác cũng khá ổn, bằng chứng là cá được người dân nuôi ở các con rạch quanh nhà máy vẫn sinh trưởng tốt".
Thực ra, khi phát tán mùi hôi, người dân cứ nghĩ đến do việc xử lý rác gây ra và trong một thời gian dài, VWS luôn... mang tiếng xấu. Tuy nhiên, một số người dân khi đến đây đã có suy nghĩ khác vì trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước còn có những đơn vị xử lý bùn cống rãnh, bùn hầm cầu.
Khu tiếp nhận bùn thải lộ thiên của Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh
Một góc nhà máy xử lý phân hầm cầu của Công ty CP Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình
Cần vành đai cách ly, kiểm soát mùi hôi
Quá trình khảo sát các công ty xử lý chất thải ở Khu xử lý chất thải xã Đa Phước, Sở TN-MT TP cũng đã lập biên bản ghi nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân. Sở sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổng hợp ý kiến, kiến nghị để báo cáo UBND TP.
Người dân kiến nghị lãnh đạo TP có biện pháp giải quyết ngay việc khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các công ty xử lý chất thải; kiểm soát tốt chất lượng vệ sinh các phương tiện vận chuyển rác, chất thải bùn hầm cầu, cống rãnh ra vào khu xử lý chất thải Đa Phước, không để việc vận chuyển mất vệ sinh gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Ông Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TP - chủ trì buổi giám sát tại VWS
Đối với việc xử lý rác, nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ quan chức năng phối hợp với VWS có giải pháp kiểm soát mùi hôi tốt hơn nữa. Trong đó, nhiều ý kiến lưu ý TP phải sớm trồng vành đai cây xanh cách ly nhằm giảm phát tán mùi hôi. Đối với các hộ dân đang sinh sống trong khu quy hoạch vành đai xanh cách ly xung quanh khu vực xử lý chất thải Đa Phước, đề nghị chính quyền địa phương sớm di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, nhường chỗ cho dự án xây dựng vành đai này.
Nhiều ý kiến còn đề nghị VWS nhanh chóng chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang mô hình đốt rác phát điện, giảm tỉ lệ chôn lấp rác. Về việc này, chính quyền TP phải có biện pháp hỗ trợ các nhà máy chuyển đổi công nghệ, chấm dứt áp dụng công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường. TP tích cực hơn trong triển khai phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu chất thải chôn lấp.
Ông Phạm Văn Hai (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết, đây là lần thứ 2 ông vào nhà máy xử lý rác và đánh giá VWS đã khắc phục, khống chế mùi hôi tốt hơn so với trước đây. Ông Hai cũng đồng tình kiến nghị TP sớm triển khai vành đai cây xanh cách ly để giảm thiểu ô nhiễm mùi hôi; đồng thời VWS sớm chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để mùi hôi.
Hoàn thiện hơn quy trình xử lý chất thải
Liên quan đến kiến nghị về chuyển đổi công nghệ đốt rác, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TP, cho biết TP dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai công nghệ đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày. Do đó, VWS sớm hoàn thiện đề án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện. Đại diện VWS, ông Kevin More, Giám đốc điều hành, cho biết VWS đã nộp đề án chuyển đổi công nghệ theo yêu cầu của TP. Công ty cũng kiến nghị TP có biện pháp giải quyết vướng mắc để sớm triển khai dự án xây dựng vành đai cây xanh cách ly như đã phê duyệt.
Riêng phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến quy trình xử lý rác, bảo vệ môi trường, ông Kevin More cho biết thêm để giảm được mùi hôi như nhận xét của người dân là nhờ hệ thống khử mùi hoạt động liên tục trên bãi chôn lấp, gồm hệ thống dàn phun xịt mùi hôi và máy phun khử mùi hôi áp lực công suất cao. Công ty vận hành liên tục 24/24 giờ mỗi ngày dưới sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng. Việc giám sát mùi hôi được tiến hành 5 thời điểm trong ngày. "Chúng tôi tiếp thu ý kiến của người dân để hoàn thiện hơn quy trình xử lý chất thải, khống chế mùi hôi và luôn mở rộng cửa để người dân vào giám sát định kỳ hoạt động của nhà máy" - ông Kevin More bày tỏ.