Ông Đào Hữu Điền - Phó Giám đốc PC Đồng Tháp - cho biết, trong thời gian gần đây, mặc dù ngành điện đã đầu tư nhiều tỉ đồng để đưa điện lưới quốc gia đến với người dân nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng sâu nhưng ở Đồng Tháp vẫn còn khoảng 13.000 hộ dân chưa gắn được công tơ điện, phải sử dụng điện câu phụ (chia hơi) với người khác, vừa tốn kém lại mất an toàn.
Ông Huỳnh Văn Minh, ngụ tại huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), cho biết, ở khu vực vùng sâu của huyện Tam Nông, điện lưới quốc gia chưa đến được từng nhà, vì vậy nhiều hộ dân phải dùng điện châu nối. Việc dùng điện chung công tơ này vừa phiền hà, giá điện nhiều khi phải trả cao, dòng điện câu nối không ổn định, mất an toàn đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt.
Nhiều hộ dân ấp Tân Thuận (xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hiện đang kiến nghị với chính quyền địa phương và ngành điện cần sớm đưa các trạm bơm thuộc dự án trồng hoa màu của xã xây xong nhưng chưa được vận hành để phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp. Đại diện UBND xã Tân Hòa cho biết, công trình do Ban Quản lý các công trình Nông nghiệp làm chủ đầu tư, xây dựng và bàn giao cho xã sử dụng. UBND xã Tân Hòa sẽ phối hợp với các ngành có liên quan để xây dựng lưới điện hạ áp nhằm cấp điện cho các hộ trồng màu và cây ăn trái để tưới tiêu trong thời gian sớm nhất.
EVN SPC phủ kín lưới điện đến vùng nông thôn các tỉnh phía Nam
Tính đến hết tháng 9-2019, ngành điện đã đầu 95,12 tỉ đồng để xây dựng các công trình đưa điện về các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hiện tại, ngành điện đang đề nghị chính quyền tỉnh Đồng Tháp ứng vốn để thực hiện đấu thầu xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị với tổng mức đầu tư 33 tỉ đồng trong tháng 10-2019. Trong đó, công trình đường dây trung thế và trạm biến áp khu vực huyện Tháp Mười phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng mức đầu tư 10,707 tỉ đồng.
Tính đến hết năm 2018, điện lưới quốc gia đã về đến 100% số xã, số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37% , trong đó hộ dân nông thôn đạt 99,05%
Trong năm 2019, Tổng Công ty Điện lực miền Nam còn bổ sung vốn 25 tỉ đồng cho PC Đồng Tháp thực hiện 10 công trình xóa hộ câu phụ từ công tơ chính có suất đầu tư thấp. Đến nay, đã thi công hoàn thành 1 công trình, đang triển khai thi công 9 công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2019. Ngoài ra, ngành điện cũng sẽ đầu tư lắp máy TBA 110kV tuyến An Long, Nha Mân, Sông Hậu; xây dựng mới các đường dây 110kV thuộc An Long - Tam Nông, Tam Nông - Vĩnh Hưng, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; xây dựng mới các trạm 110kV ở Tân Hồng, Trường Xuân, Thanh Bình.
Được biết, suất đầu tư điện lưới quốc gia cho vùng sâu hiện nay theo quy định chỉ là 2 triệu đồng/hộ, nhưng thực tế ở Đồng Tháp mức đầu tư là 32-35 triệu đồng/hộ, đây là bài toán khó cho ngành điện khi thực hiện đưa điện lưới quốc gia đến với người dân vùng sâu. Tuy nhiên, để người dân có điện sản xuất, sinh hoạt bằng điện lưới quốc gia, ngành điện sẽ dồn lực để làm nhanh các công trình đã được phê duyệt trong thời gian sắp tới.
Mỗi năm, EVN SPC đầu tư ngàn tỉ đồng xây dựng hệ thống lưới điện để bảo đảm điện phục vụ phát triển kinh tế tại 21 tỉnh, thành phía Nam
Làm việc với PC Đồng Tháp về việc vận hành lưới điện phục vụ cho nền kinh tế, dân sinh trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan yêu cầu ngành điện lực Đồng Tháp tập trung tháo gỡ những khó, vướng mắc trong khâu lập dự án, đấu thầu, triển khai xây dựng công trình điện, nhất là khu vực chưa có điện lưới quốc gia để phục vụ người dân sản xuất, sinh hoạt. Ông Hoan cho rằng, không có điện thì người dân như bị "trói tay", không thể làm được gì, vì vậy ngành điện phải đặt mình trong tư thế của người dân đang cần điện để sản xuất, sinh hoạt và cấp bách thực hiện các dự án đã được phê duyệt sớm nhất có thể.