Dưới đây là 6 sai lầm phổ biến khi đàm phán mà bạn cần tránh, hãy cùng tham khảo nhé.
Tham khảo các việc làm Hà Nội hấp dẫn tại careerlink.vn.
Không tìm hiểu về đối tác
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, bạn không thể ngồi thảo luận với đối tác mà không biết họ là ai, tình hình kinh doanh hiện tại cũng như năng lực kinh doanh của họ. Chỉ khi bạn hiểu rõ đặc tính kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu của họ thì bạn sẽ chuẩn bị được phương pháp đàm phán phù hợp và giành được nhiều lợi thế hơn.
Đánh giá thấp đối tác
Để hợp tác lâu dài, chúng ta cần thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau từ cả hai bên. Thay vì đánh giá thấp đối tác khiến bạn trở thành kẻ kiêu căng, nông cạn thì việc tôn trọng đối tác thể hiện bạn là người kinh doanh văn minh, hiểu biết. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, cho dù đối tác chỉ là một startup nhỏ thì việc hợp tác chắc chắn sẽ mang đến cho bạn một mối quan hệ làm ăn mới và biết đâu sẽ còn là các cơ hội khác tốt hơn… Tôn trọng đối phương chính là tiền đề cho mọi sự hợp tác vui vẻ và lâu dài trong tương lai.
Quá nóng vội
Nhiều người thường nóng vội, mong muốn ký được hợp đồng mới mà bỏ qua những vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng của buổi đàm phán. Một dự án có thể gây ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin và thanh danh của bạn cũng như cả công ty, do vậy đừng liều lĩnh đồng ý mà không suy nghĩ kỹ. Đôi khi, việc không đạt được thỏa thuận ngay lúc đó hay đạt được ở một thời điểm trong tương lai sẽ tốt hơn việc nóng vội mà ký vào hợp đồng. Theo một nghiên cứu, nhiều người nhanh chóng nhượng bộ để đạt được thỏa thuận sau đó thường cảm thấy đáng tiếc nhưng lại đã muộn và khó có thể sửa sai. Vậy nên, nhất định phải xem xét tác động của việc hợp tác đến các yếu tố xung quanh trước khi chính thức đồng hành cùng đối tác.
Chỉ tập trung vào lợi ích của riêng mình
Bất cứ người kinh doanh nào cũng mong muốn mang cái lợi về cho công ty hoặc đội nhóm của mình. Do vậy, bạn cần phải hiểu rõ điều này để có thể cân bằng lợi ích của hai bên… Nếu chỉ tập trung và lợi ích của riêng mình mà bỏ qua những điều quan trọng hơn của một cuộc đàm phán như nhu cầu của đối tác, rủi ro, lợi ích dài hạn của cả hai bên thì việc chắc chắn cuộc đàm phán sẽ không đi đến đâu cả.
Thiếu linh hoạt
Sẽ có lúc cuộc thương lượng rơi vào bế tắc vì bất đồng quan điểm. Việc tỏ ra cứng nhắc trong tình huống này dễ khiến bạn mất tất cả nếu đối phương quyết định bỏ cuộc. Vậy nên, bạn cần linh hoạt đưa ra những đề nghị, phương án thay thế chứ không nên cự tuyệt với ý kiến khác quan điểm ban đầu của mình. Hơn nữa, việc này còn ảnh hưởng đến cái nhìn của đối tác về bạn và cho rằng bạn không có thiện chí hợp tác. Như vậy không chỉ khiến lần đàm phán này thất bại mà còn ảnh hưởng đáng kể đến những lần đàm phán về sau.
Để thành kiến, tình cảm lấn át
Người kinh doanh giỏi là người biết tách biệt công việc với chuyện tình cảm, cảm xúc riêng tư. Cho dù bạn đã từng nghe những điều khá tiêu cực về họ trước đây, không có nghĩa là bạn nên áp đặt thành kiến đó lên đối tác. Để tránh sai lầm này, trước tiên hãy dành cho đối tác sự tôn trọng nhất định. Trong quá trình đàm phán, hãy chú ý lắng nghe khi họ phát biểu, đưa ra lập luận khách quan và logic. Từ đó, bạn mới có thể rút ra nhận định chính xác về đối tác để có thể đưa ra quyết định phù hợp.