Ngày mùa lúa tốt tươi, chim ơi lũ chim trời
Tung cánh về đây coi, lúa chín vàng trên đồi
Nàng về nàng quẩy trên vai, lúa thơm của ta ơi
(Dân ca Thái, lời Phạm Duy)
Ngày mùa ở Tây Bắc bây giờ không chỉ có lũ chim trời kéo về mà người miền xuôi từ Nam ra Bắc cũng nườm nượp lên đây để thưởng ngoạn vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang đầy lúa chín vàng ươm.
“Chiếc giày” vàng ươm lúa chín ở Mù Cang Chải
Mảnh ruộng hình trái tim và ngôi sao ở La Pán Tẩn, Mù Cang Chải
Cánh đồng lúa Bắc Sơn (Lạng Sơn); ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), Y Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) và nhiều nơi khác nữa từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong những chuyến lên Tây Bắc. Người ta đến đây 1 năm 2 lần. Lần đầu khi bắt đầu vụ mùa vào tháng 5, tháng 6. Lần thứ hai là mùa vàng của Tây Bắc, vào giữa tháng 9 đến tháng 10.
Bay trên mùa vàng
Lúc này, những thửa ruộng trĩu lúa vàng tươi tỏa hương ngào ngạt trải khắp các bản làng của người dân tộc Mông, Dao, Tày, La Chí, tạo nên khung cảnh vừa sống động vừa nên thơ. Nhưng tuyệt nhất có lẽ là lúc những tia nắng đầu ngày chiếu xuống các thung lũng vàng óng lúa hay khi ánh chiều buông sau dãy núi xa xa hắt lên trời mảng màu rực rỡ làm nền cho những áng mây trắng ngần như lụa chầm chậm luồn qua thung lũng.
Tươi đẹp mà bình dị, sinh động mà nên thơ, cảnh trí vùng Tây Bắc vào những mùa vàng khiến người ta không chỉ đến 1 lần mà 2, 3 và nhiều lần nữa. Thậm chí như tôi, không chỉ đến du ngoạn mà tự sâu thẳm trong lòng đã nhận Tây Bắc là quê hương bởi những cảm giác thân thương mà gần gụi cứ ngấm từng ngày theo từng chuyến đi...
Đồi Mâm Xôi, điểm tham quan và chụp ảnh nổi tiếng lôi cuốn nhiều du khách ở Mù Cang Chải. Khách lên đây phải đi xe máy hoặc xe ôm, mỗi vòng lên xuống mất 70.000 đồng
Năm nay theo chân những người yêu mến Tây Bắc lên ngắm cảnh mùa vàng, thấy lúa trĩu nặng hạt vàng mà lòng phơi phới như chính mình bội thu. Mừng cho bà con sẽ có chén cơm dẻo thơm mùi lúa mới, bõ công chăm bón nhọc nhằn. Khách về thăm bản làng cũng tạo thêm thu nhập cho dân bản. Bạn sẽ trả ít tiền để vào ruộng chọn cho mình góc ảnh đẹp. Hay đi xe ôm của các chàng trai người Mông lên đỉnh đồi với 70.000-100.000 đồng. Còn những cô gái xúng xính trong bộ đồ dân tộc, những bà mẹ địu con làm mẫu cho các nhiếp ảnh gia thì sẽ có chút tiền bồi dưỡng.
Đến với Tây Bắc, ngoài thỏa mắt với cảnh thiên nhiên, du khách còn có dịp thưởng thức những món ngon của vùng đất này như xôi và cốm Tú Lệ, thịt trâu/thịt lợn gác bếp, xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, nộm rau dớn, cải mèo, măng rừng, cá suối...
Cô gái Mông cười vui khi cuộc sống năm nay hứa hẹn tốt hơn nhờ vụ mùa bội thu
Mùa vàng năm nay, bên cạnh những hoạt động truyền thống như hội thi khèn Mông, chọi dê, lễ mừng lúa mới,... còn có chương trình festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” ở đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải) hay “Marathon vượt núi quốc tế” tại Sapa (Lào Cai).
Tha thiết mùa nước đổ
Vào tháng 5, tháng 6, người làm nông vùng Tây Bắc phát cỏ dọn bờ cho sạch, chờ mưa xuống để lấy nước vào ruộng ngâm cho đất mềm rồi cày bừa để bắt đầu vào mùa vụ mới.
Ruộng bậc thang ở Bản Phùng, Hoàng Su Phì vào mùa đổ nước với những ngôi nhà của người La Chí nằm ngay bên các thửa ruộng
Những thửa ruộng đầy nước lấp lánh ánh nắng như tấm gương hắt ánh sáng lên trời xanh. Lưa thưa đâu đó những hàng cây, những nếp nhà với khói lam chiều long lanh soi bóng. Có khi là hình ảnh thân thương của chú trâu kéo cày cùng người nông dân làm người lữ khách bất chợt nhớ câu ca dao "trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta" mà cảm thấy hồn quê dâng lên tha thiết.