Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nhà thờ chính tòa thánh Guise): Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, mô phỏng Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vào dịp Giáng sinh, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy với đèn rực rỡ, cây thông noel.... và đón khách tham quan miễn phí.
Nhà thờ Phùng Khoang: Nhà thờ xây dựng năm 1910, nhà thờ Phùng Khoang mang đậm nét kiến trúc tân cổ điển Pháp. Họa tiết tinh xảo kết hợp với vẻ trầm mặc khiến nhà thờ này có vẻ quyến rũ riêng. Trong các thánh lễ của nhà thờ Phùng Khoang có sự tham dự của rất nhiều sinh viên ở thủ đô nhất là trong dịp Giáng sinh.
Nhà thờ Thịnh Liệt: Nhà thờ Thịnh Liệt (Kẻ Sét) có kết cấu cân xứng mang phong cách Gothic kết hợp với dãy mái ngói đỏ tươi đậm chất Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều người thì nhà thờ Thịnh Liệt là một trong những lễ đường đẹp và hấp dẫn nhất Hà Nội.
Nhà thờ Hàng Bột: Với hơn 2.500 tín hữu, nhà thờ Hàng Bột thuộc quyền coi sóc của cha chính xứ Giuse Trần Ngọc cương, được kể là một trong những giáo xứ lớn của Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn, diễn ra hàng tuần, đặc biệt là ngày lễ Giáng sinh.
Nhà thờ Cửa Bắc: Nhà thờ được xây dựng ở Cửa Bắc thành Thăng Long nên được gọi tên là nhà thờ Cửa Bắc. Kiến trúc sư Hébrard thiết kế ngôi nhà thờ này theo kiểu hình chữ nhật, kết hợp phong cách Á - Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng như các ngôi nhà thờ theo kiểu Gothic đương thời, mà lại có tháp chuông lệch ở bên phải, cân bằng với mái vòm. Kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc thể hiện sự độc đáo, mang sắc thái hòa hợp với văn hóa phương Đông. Tại nhà thờ Cửa Bắc hiện nay, ngoài các thánh lễ bằng tiếng Việt, còn có một thánh lễ bằng tiếng Anh để phục vụ cho khách du lịch, sinh viên và các viên chức nước ngoài.
Nhà thờ An Thái: Nằm sâu trong con ngõ 460 Thụy Khuê, nhà thờ giáo xứ An Thái là một nhà thờ cổ với nhiều nét độc đáo của Hà Nội. Nhà thờ này được xây dựng vào những năm 1893-1907, là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Hà Nội. Nằm trên đất làng An Thái, thuộc vùng Kẻ Bưởi ở phía Nam của hồ Tây nên nhà thờ này còn được biết đến với một cái tên khác là Nhà thờ Kẻ Bưởi, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phục hưng với những họa tiết trang trí tinh tế.