Cuối thu, đầu đông - khi những cơn gió lạnh đầu tiên tràn về miền biên cương cũng là thời điểm hoa cải trắng nở rộ khắp núi rừng Mộc Châu. Rời Hà Nội sau một đêm ở phố cổ, chúng tôi chạy xe máy hơn 200 km theo Quốc lộ 6 để đến với cao nguyên Mộc Châu. Dọc đường đi là những khung cảnh nên thơ, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.
Đoạn đường từ Xuân Mai qua thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình khá đông đúc. Trời se lạnh, chúng tôi chậm rãi rẽ làn sương mờ, băng qua những con dốc uốn lượn để đến dốc Cun. Đường đi quanh co và hiểm trở hơn nhiều so với tưởng tượng của cả nhóm, mặc dù độ dốc không quá lớn nhưng lại có nhiều khúc cua tay áo liên tiếp.
Lưng chừng dốc Cun có một quán nước nhỏ làm nơi dừng chân cho du khách. Những người phụ nữ dân tộc Thái cũng giới thiệu, bày bán nhiều đặc sản núi rừng như heo mán gác bếp, cơm lam. Giữa tiết trời se lạnh, chúng tôi ngồi nhâm nhi tách trà nóng nghi ngút khói, xa xa là những dốc núi đá vôi trắng xoá dựng đứng.
Điểm đến tiếp theo là đèo Thung Khe. Chỉ sau khi đến đây, tôi mới hiểu hết lý do nơi đây được mệnh danh là một trong những cung đèo huyền thoại của Việt Nam. Nằm cheo leo giữa núi rừng, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, Thung Khe mang trong mình vẻ đẹp ma mị: mộc mạc mà hùng vĩ, nên thơ nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm rình rập.
Trong chuyến đi khám phá núi rừng nơi miền đầu Tổ quốc, tôi quyết định để lại chiếc máy ảnh cồng kềnh ở nhà và mang theo một thiết bị chụp ảnh nhỏ gọn, tiện dụng hơn: Galaxy J7+. Lý do tôi tự tin với lựa chọn này là việc Samsung đã trang bị máy ảnh kép ở mặt sau, trong đó có một camera 13 MP, khẩu độ f/1.7 và camera còn lại ở mức 5 MP, khẩu độ f/1.9.
Thừa hưởng khả năng xóa phông từ đàn anh Galaxy Note 8, tôi hoàn toàn thoải mái khi dùng smartphone để chụp lại cảnh đẹp thiên nhiên cũng như tranh thủ chụp ảnh “sống ảo” cho bạn bè đi cùng.
Qua đèo Thung Khe, chúng tôi tiếp tục chạy thẳng về Mộc Châu. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Mộc Châu là thiên đường giữa lưng chừng trời. Nơi này cách mặt nước biển khoảng 1.050m và là một trong những cao nguyên đẹp nhất Việt Nam.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Ba Phách, nơi được mệnh danh “thiên đường hoa cải” của Mộc Châu. Sau vài con đường đất gập ghềnh, thung lũng cải trắng hiện ra thấp thoáng sau ngọn núi. Đi sâu vào trong bản, những cánh đồng hoa cải trắng trải dài đến tận chân trời trông như dải lụa khổng lồ, vắt ngang ngọn núi này đến thung lũng nọ.
Tôi tranh thủ ghi lại khung cảnh mơ mộng này bằng Galaxy J7+. Trong điều kiện ánh sáng lý tưởng của núi rừng ban sớm, tôi dễ dàng có được bức ảnh sắc nét, màu sắc được tái tạo chân thực, không bị hòa lẫn giữa các sắc độ màu xanh khác nhau trong cùng bức hình.
Chúng tôi đi sớm nên hoa cải mới lác đác nở. Thi thoảng giữa vườn cải trắng khổng lồ, người ta lại dựng lên một cái lều, cầu tre hay chiếc xích đu đơn giản cho du khách chụp ảnh. Nghe kể rằng ban đầu, người dân chủ yếu trồng hoa cải để lấy hạt, ép dầu. Từ khi được du khách chú ý, đồng bào ở đây bắt đầu trồng và tạo hình cho các vườn cải, thu phí đối với khách tham quan.
Giữa bạt ngàn cải trắng, chúng tôi men theo lối mòn nhỏ, thả hồn vào thiên nhiên đất trời. Những bông cải li ti đong đưa trong gió, dưới ánh nắng vàng như rót mật, cả cánh đồng cải trắng như bừng sáng tạo nên một khung cảnh hết sức nên thơ.
Và cứ thế, chúng tôi đi hết cánh đồng cải này đến cánh đồng khác mà không chán. Chiều về, cả thung lũng trắng tinh như được phết thêm một lớp mật óng ánh nắng vàng. Cả nhóm chạy xe tiếp đến rừng thông Bản Áng, ghé thăm hang Rơi, tắm suối ở thác Dải Yếm và kết thúc một ngày nữa tại nông trường bò sữa Mộc Châu.
Đồ ăn ở vùng đất này rất ngon, đặc biệt là cá suối, rau rừng. Chúng tôi cũng thử thêm một số món đặc sản như rau cải mèo, bê chao, gà đồi, cơm lam, cá hồi tươi, thịt trâu gác bếp.
Món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở này là cảnh sắc thay đổi theo mùa, còn chúng tôi như những đứa trẻ ngoan được “nhận quà” là được tận hưởng những ngày cuối năm ở nơi đây.
Sẽ là thiếu sót nếu đến Mộc Châu mà không ghé Tà Xùa săn mây. Thời điểm thích hợp nhất để săn mây là từ tháng 11 đến tháng 3. Mùa đông, những đám mây xếp tầng phủ kín các bản làng, ngày đêm lững lờ trôi trên các đỉnh núi trập trùng.
Chúng tôi men theo “sống lưng khủng long” từ chiều tà, sau đó cắm trại ngay tại đây để săn mây vào sáng sớm. Mây ở đây thường xuyên thay đổi, có khi la đà dưới thấp có lúc lại bốc lên bao trùm lấy bản làng.
Tôi nghĩ mình may mắn khi còn săn được bình minh ở Y Tý.
Giữa biển mây trùng điệp, từng tia nắng nhỏ dần ló dạng tạo thành một khung cảnh huyền ảo. Biển mây chuyển dần từ màu trắng sang hồng. Những tia nắng hình rẽ quạt đầu tiên xuyên qua đám mây hồng. Mặt trời dần ló dạng, chuyển từ màu đỏ sang vàng.
Cả thiên đường mây Y Tý chìm trong nắng vàng rực rỡ. Biển mây như tràn lên các thửa ruộng bậc thang, thong dong bay lượn quanh các đỉnh núi. Xa xa bản làng ẩn hiện dưới làn mây trắng tựa bức tranh thiên đường.
Đứng giữa biển mây, tâm hồn tôi như bồng bềnh trôi theo cơn gió vô định. Cảm giác choáng ngợp xâm chiếm, cả nhóm chúng tôi vừa sửng sốt vừa ngây ngất trước khung cảnh hư ảo nhưng rất đỗi chân thật.
Trên đường về, chúng tôi bất chợt gặp những chàng trai, cô gái người Hà Nhì, H’Mông đang ngồi sưởi nắng ven đường.
Hình ảnh con người nhỏ bé đang hoà mình giữa thiên nhiên hùng vĩ tạo nên một khủng cảnh hết sức bình dị, đậm chất thơ.
Vùng đất này lúc nào cũng dịu dàng mà thu hút như thế, để những du khách từng có dịp ghé qua nơi đây chắc chắn luôn mong chờ một cơ hội ghé thăm lần nữa.