Anh Nam một người sống tại chung cư quận 7 cho biết, chị giúp việc nhà anh có hôm nghe anh nói có ý định bán căn hộ đã ngỏ lời giới thiệu người mua giúp. Là một người dân quê, chưa từng hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, nhưng chị lại cam kết giúp anh bán nhà, bởi chị cũng vừa giúp bà hàng xóm chốt vụ giao dịch thành công.
Quá bất ngờ trước kỹ năng “tiềm ẩn” của chị giúp việc, anh Nam hỏi rõ mới biết chị có chơi với mấy người môi giới bất động sản và là cầu nối giới thiệu môi giới để ăn chia hoa hồng khi giao dịch thành công. Câu chuyện môi giới của chị giúp việc nhà anh Nam chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện hành nghề của những chị bán bún, hột vịt lộn, bác xe ôm hay anh bảo vệ...
Môi giới bất động sản tại thị trường Việt Nam thu hút nhiều thành phần tham gia. Ảnh: Hoàng Triều
Do thu nhập từ tiền hoa hồng cùng sự bùng phát nhu cầu trong giao dịch bất động sản, các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân mọc lên như nấm, thị trường nhà phố nhà lẻ cán mốc 100% đã khiến nghề môi giới trong mắt nhiều người là “nghề hái ra tiền” tạo nên tâm lý “tội gì không thử”. Không được cấp bằng môi giới, nhưng những cò đất này lại hoạt động rất hiệu quả và còn ngầm chia địa bàn. Hình thức hoạt động của những cò này chỉ là vai trò dẫn mối, cò nào cao cấp hơn thì nhờ có mối quan hệ với chủ nhà mà có thể nhận vị trí đứng mũi giao dịch, thậm chí thực hiện cả công đoạn công chứng hành chính.
Trên thực tế các giao dịch bất động sản không hề đơn giản, chưa nói đến thủ tục pháp lý, ngay khi muốn bán nhà chủ nhà cũng không biết làm sao để kết nối được với người mua. Lợi dụng tâm lý muốn giao dịch nhanh chóng, chủ nhà thường không quan tâm nhiều đến quá trình tìm đến người mua, do đó trở nên dễ dãi. Bên cạnh đó, cò đất ăn theo này còn tồn tại bởi chính sự không chuyên nghiệp từ những môi giới nhận mình chuyên nghiệp. Do lợi nhuận trong giao dịch bất động sản, các môi giới sẵn sàng làm việc với cò đất để có sản phẩm giao dịch. Cuộc ngã giá này cũng chẳng khó khăn gì, phải những “cò” sừng sỏ thì 50:50 nhưng với những cò mới vào nghề có thì 70:30 khi giao dịch thành công, còn những cò mới như bảo vệ, giúp việc thì “ăn xổi” nhận phí 500.000 đồng cho mỗi lần dẫn khách đến cho môi giới.
Đấy là chuyện "huề cả nhà đều vui” khi ngã giá thành công, nhưng nếu một trong 2 bên trở mặt thì cái thiệt cuối cùng lại thuộc về chủ mua hoặc bán, cò phá đám người mua, người bán; cò giới thiệu nhiều môi giới cùng lúc dẫn đến tình trạng môi giới tranh chấp, hoặc có khi nhà bán xảy ra vấn đề pháp lý thay vì tư vấn cho chủ nhà, cò ôm tiền hoa hồng bỏ trốn,...
Việc buôn bán với cò gặp rất nhiều bất trắc, không chỉ với chủ mua, chủ bán mà còn với cả môi giới. Anh Phong một môi giới tại Phú Nhuận chia sẻ, nhiều cò đất sẵn sàng chơi chiêu “cướp trên giàn mướp” với môi giới, anh từng gặp vô vàn trường hợp như vậy. Ví như trường hợp khi anh nhận bán nhà cho một khách hàng, sau khi đầu tư đăng tin một thời gian, có khách hàng gọi cho anh nói có nhu cầu mua nhờ anh dắt đi xem nhà. Sau khi xem nhà, anh Phong hỏi ý kiến về việc mua bán, khách hàng nói không hài lòng nhưng vài ngày sau anh nhận được tin chủ nhà của mình báo đã có khách mua nhà, người mua do chính khách mà anh từng dẫn đến giới thiệu. Trường hợp của anh Phong chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cò đất “hớt tay trên” trong giao dịch mua bán bất động sản.
Bên cạnh sự chấp nhận dễ dãi thì cũng có rất nhiều chủ nhà muốn làm việc với môi giới chuyên ngiệp nhưng cũng không biết tìm đâu, ai cũng trong tâm lý bán nhà chắc chắn phải chịu thiệt cho môi giới, còn lo sợ bị chênh giá, ép giá nên khi làm việc với môi giới đều sẵn tâm lý chẳng phải đàng hoàng.
Trở lại câu chuyện của anh Phong, thông thường rơi vào trường hợp này những người môi giới như anh chỉ biết ngậm ngùi bỏ hàng hoặc chấp nhận một chút hoa hồng gọi là làm huề từ người “khách giả”. Tuy nhiên anh Phong chia sẻ, do kinh nghiệm đã làm môi giới nhiều năm, mình ngày càng khắt khe với khách hàng để tạo cho họ thói quen chuyên nghiệp. Trước khi nhận lời bán nhà cho khách, anh Phong sẽ nhờ khách hàng ký một hợp đồng bán nhà độc quyền để giảm thiểu rủi ro mất hàng sau khi đã phải tự đổ tiền đầu tư quảng cáo. Trong hợp đồng anh cũng cam kết hỗ trợ khách mọi thủ tục pháp lý cũng như tìm người mua đúng giá. Chính nhờ hợp đồng này mà anh Phong tránh được trường hợp bị cướp khách, giành khách với cò đất và đồng nghiệp. Anh Phong nói đây mới chính là mô hình hoạt động chuyên nghiệp cần phải áp dụng ở Việt Nam.
Mô hình mua bán bất động sản độc quyền này đã được áp dụng rất nhiều trên thế giới, nhưng tại Việt Nam do văn hóa “cả nể thân quen” mà nhiều chủ nhà sẵn sàng làm việc với cò, dẫn tới tình trạng bát nháo trong giao dịch nhà đất. Nhưng theo xu hướng phát triển, mô hình này cũng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, như trường hợp ông John Lê, Tổng giám đốc Propzy Việt Nam, đang nhân rộng phát triển phần mềm Propzy.vn - một hình thức "Uber bất động sản" dành cho môi giới, cho phép kết nối người bán người mua với các hợp đồng phân phối độc quyền. Ông John Lê chia sẻ, giao dịch bất động sản tại Việt Nam có nhiều bất cập nhưng lại chính là cơ hội để tổ chức và đưa công nghệ quản trị vào để ổn định. Môi giới Việt Nam cần một tổ chức hướng dẫn để chuyên nghiệp hóa.