Tại buổi tọa đàm Giải mã cơn sốt đất tại TP HCM do báo Pháp Luật TP HCM tổ chức mới đây, đại diện Phòng Công chứng số 1 cho biết, qua thống kê sơ bộ tại văn phòng này, số lượng hồ sơ công chứng giao dịch nhà đất đã vọt lên đột biến. Dữ liệu tuy chỉ là một lát cắt nhỏ nhưng phản ánh phần nào thực trạng cơn sốt đất tại Sài Gòn trong thời gian qua.
Cụ thể, tháng 1-2017 lượng hồ sơ công chứng giao dịch nhà đất tăng 17,71% so với cùng kỳ năm 2016 trong khi dữ liệu của các tháng 3-4/2017 cũng lần lượt tăng 17,45-27,37%. Cá biệt tháng 2-2017 là thời gian nghỉ Tết, người dân hạn chế mua bán, nên lượng hồ sơ công chứng giao dịch nhà đất chỉ tăng nhẹ 1,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tháng 5 vẫn chưa kết thúc nên dữ liệu này tạm chốt vào cuối tháng 4-2017.
Các chuyên gia cảnh báo về khả năng rủi ro cao khi chạy theo cơn sốt nhà đất. Ảnh H.Triều
Phát biểu tại buổi tọa đàm này, đại diện Phòng Công chứng số 1 cho hay, mặc dù đây chỉ là số liệu chưa đầy đủ (muốn toàn diện cần phải thống kê tất cả các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố) nhưng nếu rà soát dữ liệu của các văn phòng công chứng trú đóng tại vùng ven, số lượng hồ sơ công chứng có thể cao hơn. Bởi lẽ, cơn sốt đất đã diễn ra mạnh mẽ tại các quận, huyện ngoại thành Sài Gòn.
Vị này tiết lộ, trong những tháng vừa qua, văn phòng tiếp nhận khá nhiều trường hợp công chứng giao dịch nhà, đất, trong đó đất nông nghiệp khá phổ biến. Cá biệt một trường hợp đơn vị đang tiếp nhận hồ sơ công chứng giao dịch lô đất nông nghiệp 1.000 m2 nhưng có đến hơn chục hộ gia đình cùng đứng mua, không phân chia thửa. Theo nghiệp vụ, nhân viên phòng công chứng đã tư vấn pháp lý, cảnh báo các rủi ro và những rắc rối có thể gặp phải khi quyền sử dụng đất đồng đứng tên nhiều hộ gia đình. Thế nhưng khách hàng bỏ ngoài tai các khuyến cáo.
Thực trạng phổ biến hiện nay, do nhu cầu giao dịch nhà đất quá lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản nóng lên, giới buôn đất hứa hẹn về viễn cảnh siêu lợi nhuận và tư vấn pháp lý một cách qua loa. Tuy nhiên, khách hàng vì nhu cầu đầu tư kiếm lời nên có người được cảnh báo, có người hiểu biết hoặc chưa biết gì, đều không ngại rủi ro tham gia giao dịch.
Đại diện Phòng Công chứng số 1 nhận xét, dựa trên số lượng hồ sơ công chứng giao dịch nhà đất tăng mạnh, cộng với quan sát khách hàng không thấy bàn câu chuyện sản xuất kinh doanh mà chỉ nhắm đến mua nhà, mua đất ở đâu có lời, lại mua trong tình trạng thiếu cảnh giác là điều đáng lo lắng. "Cơn sốt đất hiện nay gợi cho những người từng quan sát thị trường bất động sản cách đây 10 năm (năm 2007) nhiều nỗi quan ngại", ông nói.
Cũng có mặt tại buổi tọa đàm Giải mã cơn sốt đất tại TP HCM, bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản thành phố nhận xét, sốt ảo hay sốt thật chỉ là khái niệm ví von. Tất cả các mức giá đất đang giao dịch trên thị trường, nếu mua bán thành công, đều là thật. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là, dù giá chào bán có cao đến đâu, người mua nên tỉnh táo so sánh giá trị chào bán với giá trị sử dụng trước khi tiến hành giao dịch.
Bà Khuyên cho rằng, cơ quan quản lý đã phản ánh về cơn sốt đất và cảnh báo hiện tượng này cũng như tích cực tìm giải pháp. Các đơn vị có chức năng liên quan như phòng công chứng, thừa phát lại, chuyên gia bất động sản... đều có phản biện, tư vấn để hỗ trợ người dân tham gia thị trường. Câu hỏi đặt ra là sự minh bạch có tác dụng đến đâu trong khi biết rõ rủi ro người dân vẫn giao dịch vì nhu cầu đầu tư quá lớn.
Tổng giám đốc DKRA, Phạm Lâm cho rằng trong khi cơ quan chức năng tìm các giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất, giúp thị trường phát triển ổn định, người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách trang bị kiến thức khi đầu tư bất động sản. Am hiểu thị trường hoặc được tư vấn, cảnh báo sớm về các rủi ro có thể giúp nhà đầu tư giao dịch an toàn, tránh được thiệt hại trong bối cảnh giá nhà đất TP HCM sốt ảo trên diện rộng như hiện nay.