Được người quen giới thiệu, năm 2009 chị Hạnh (Vườn Lài, Tân Phú) cùng một số hộ dân khác hùn vốn mua chung một thửa đất tại khu vực phường Tân Hương (quận 7, Tp.HCM). Do tin tưởng môi giới, chị giao hết thủ tục giấy tờ tách thửa, làm sổ đỏ riêng cho bên bán lo liệu. Bản thân chị và những người cùng mua chỉ làm giấy xác nhận tay. Một thời gian sau, khu đất rơi vào tình trạng tranh chấp với hàng xóm. Để thuận tiện cho việc giải quyết vấn đề pháp lý, chị Hạnh cùng những người mua khác đồng ý làm giấy chuyển nhượng toàn quyền quyết định khu đất cho người chủ cũ.
Đến năm 2012, đợi mãi vẫn chưa nhận được giấy tờ sở hữu để xây nhà, chị cùng các hộ dân tìm hiểu mới vỡ nhẽ người chủ cũ đã bán lại mảnh đất trên cho một bên thứ 3 từ đầu năm 2011. Uất ức vì bị lừa, chị Hạnh và những người cùng mua khiếu kiện nhưng do mọi người đã ủy quyền cho người chủ cũ toàn quyền quyết định với khu đất nên việc giao dịch với bên thứ 3 của chủ cũ là hợp pháp. Người chủ đất lại chây ì không chịu trả lại khoản tiền chị và nhiều người đã bỏ ra mua. Trong khi đó, môi giới cho biết mình cũng là người bị hại. Hiện tại chị Hạnh và các hộ dân chỉ còn biết nộp đơn khiếu kiện lên chính quyền và đợi phân xử. “Tình trạng này kéo dài đã 4 năm nay, mọi người đều mệt mỏi, chán nản vì bị lừa mà không thể làm được gì”, chị Hạnh tâm sự.
Thực trạng mua đất chung chưa qua tách thửa ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro
Anh Ngô Quang Sự (Nguyễn Văn Quá, quận 12) cùng người quen mua chung một mảnh đất nông nghiệp 1000m2 tại đường Nguyễn Văn Bứa, khu Ngã Ba Giồng (Hóc Môn) từ năm 2008. Anh cho biết diện tích đất gia đình anh mua là 250m2 nhưng khi ra sổ chỉ còn lại 180m2. Lúc đầu mua do không rành thủ tục pháp lý, anh giao hết cho người giới thiệu đứng tên mảnh đất và phụ trách hoàn thiện thủ tục mua bán, tách thửa. Việc ra sổ thiếu mất 70m2, anh Sự nhận được lời giải thích thiếu thuyết phục của chủ nhà: “Họ nói là do đo đạc bên địa chính bị nhầm lẫn thành ra đất của mình bị mất. Họ chấp nhận bồi thường cho tôi diện tích bị mất với giá mua ban đầu cộng chi phí lên sổ nhưng tôi không chấp nhận mà yêu cầu bên địa chính sai thì phải làm lại sổ cho đúng”. Tuy nhiên, hiện tại bên bán vẫn dùng dằng không quyết và đổ cho chính sách nhà nước thay đổi, khó khăn trong việc làm lại sổ. Lúc mua do tin tưởng anh Sự chỉ viết giấy tay chứ không đi công chứng. Vì thế, lý đã không thuộc về anh.
Bà Hoàng Thị Phượng (quận Bình Tân) đang khổ sở đối diện với tình cảnh nhà bị buộc tháo dỡ do đất bà mua chưa được lên thổ cư. Bà Phượng cho biết năm 2011, theo giới thiệu từ chỗ quen biết, gia đình bà mua được mảnh đất 90m2 tại Vĩnh Lộc 2 với giá 300 triệu. Theo lời người bán, đây là đất nông nghiệp nhưng thuộc dự án đã được quy hoạch, nằm trong diện được lên thổ cư trong 1-2 năm tới. Với niềm tin khi có sổ đất sẽ tăng giá mạnh và cũng vì tin lời người bán, bà Phượng không kiểm tra lại mà ký hợp đồng mua, cất nhà ở tạm. Tuy nhiên, đã mua gần 5 năm mà đất vẫn chưa được lên thổ cư. Giờ bà Phượng đang thấp thỏm vì ở cũng không được mà bán rẻ thì tiếc của.
Nhiều khách hàng còn mất luôn mảnh đất do người bán lật kèo. Anh Nguyễn Việt Cường mua một khu đất nằm trên khu vực Đồng Văn Cống (quận 2). Do bên bán là chỗ quen biết nên anh tin tưởng đặt tiền cọc mua trước, không ký HĐ giao dịch rõ ràng. Tuy nhiên, khi giá đất tăng cao, người bán lật lọng, trả lại tiền cọc, không chịu bán và cũng không chịu bồi thường. Trong khi đó, anh Cường lại không có cơ sở xác nhận mình đã giao dịch mua khu đất này. “Tức thì tức nhưng không có cơ sở pháp lý, không thể kiện họ được”, anh Cường bức xúc.
Theo quy định của pháp luật, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bắt buộc phải tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu tại văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người bán người mua do nể và tin nhau nên chỉ giao dịch miệng hoặc viết giấy tay mà không qua công chứng. Theo luật sư Ngô Văn Phúc – Đoàn luật sư Tp.HCM, người mua nhà dù trong bất kỳ tình huống nào khi giao dịch nhà đất cần làm hợp đồng giao dịch pháp lý rõ ràng. Riêng với các trường hợp không chắc chắn về tình trạng đất sử dụng thì nên đến các cơ quan quản lý tại địa phương để xác minh thông tin, tránh chỉ vì tin tưởng nhất thời mà chịu thua thiệt trong mua bán.