Công ty DKRA vừa công bố nghiên cứu khảo sát thị trường bất động sản liền thổ tại khu Đông TP HCM kèm theo diễn biến giá đất kéo dài 10 năm qua. Tại quận 2, đất nền khu An Phú - An Khánh năm 2006 có giá thấp nhất 8 triệu đồng mỗi m2 và cao nhất 20 triệu đồng mỗi m2, đến tháng 2/2017 đã vọt lên ngưỡng 66-155 triệu đồng mỗi m2. Tương tự, giá đất tại khu Thủ Thiêm cùng cột mốc thời gian này đã nhích từ 9-12 triệu đồng mỗi m2 lên ngưỡng 102-155 triệu đồng mỗi m2.
Đất nền khu Thạnh Mỹ Lợi cách đây chục năm có giá 6-13 triệu đồng mỗi m2 thì nay đã đạt mốc 25-80 triệu đồng mỗi m2. Riêng khu vực Cát Lái, hồi năm 2006 ghi nhận giá 4-7 triệu đồng mỗi m2, đến quý I/2017 được giao dịch ở mức 16-25 triệu đồng mỗi m2. Giá đất nền một số nơi tại quận 2 như đường Nguyễn Hoàng, trục đường Mai Chí Thọ, mặt tiền đường song hành vào thời điểm tháng 2/2017 tăng 15 - 35% so với năm 2015.
Không chỉ có quận 2 tăng giá, đất nền quận 9 cũng đã biến động mạnh và leo thang trong một thập niên qua. Chỉ riêng trong năm 2016, khu vực quanh phường Phước Long B, dọc theo trục đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, giá đất nền đã tăng 20-30% so với năm 2015. Sau 10 năm phát triển, giá đất tại khu vực này tăng 3-5 lần so với năm 2006.
Giá đất khu Đông TP HCM biến động mạnh trong 10 năm qua, cuối năm 2006 đến quý I/2017.
Theo biểu đồ diễn biến giá đất tại quận 9 của đơn vị này, trong vòng 10 năm qua, giá đất nền tại đây đã biến động khá cao, từ mốc 3-6 triệu đồng mỗi m2 năm 2006 hiện nay đã chạm ngưỡng 18,5-32 triệu đồng mỗi m2. Trong suốt chu kỳ này, giá đất quận 9 đã bất ngờ vọt lên cao nhất vào giai đoạn 2015-2016, từ 15-23 triệu đồng mỗi m2 đã bứt phá lên ngưỡng 16-30 triệu đồng mỗi m2.
DKRA đánh giá, nguyên nhân giá đất quận 2, 9 tăng giá đột biến trong chu kỳ 10 năm qua là nhờ ăn theo hạ tầng. Các công trình cầu, đường, tuyến giao thông mới trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư tại khu Đông đã kích giá đất tăng mạnh. Các dự án đáng chú ý gồm: hầm Thủ Thiêm, đại lộ Võ Văn Kiệt, hệ thống cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, tuyến Metro số 1, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và đường vành đai.
Nhờ hưởng lợi từ hạ tầng này, quận 2 trở thành trung tâm giao tiếp lớn của cả TP HCM trong khi quận 9 nằm liền kề quận 2 cũng được cộng hưởng mạnh mẽ. Điều này giúp cho phân khúc đất nền, thị trường căn hộ sơ cấp, thứ cấp, nhà phố/biệt thự được đông đảo khách hàng mua để ở và cả nhà đầu tư quan tâm, giao dịch nhiều.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia bất động sản, giá đất tăng mạnh trong chu kỳ dài, 10 năm không phải là điều lạ. Tuy nhiên, bất động sản liền thổ đã tăng với tốc độ nhanh trong vòng 3 năm qua, đặc biệt giai đoạn 2015-2016 có thể mang lại nhiều phản ứng tiêu cực cho thị trường. Một trong số đó là cơn sốt giá đất đang ngày càng trở nên xa rời nhu cầu thực tế của người dân. Hiện tượng sốt ảo này có thể khiến cho tâm lý hoài nghi, lo ngại chu kỳ phục hồi và phát triển của thị trường có thể chịu một số bất ổn. Biểu hiện rõ nhất là thanh khoản thị trường đứng trước áp lực giảm tốc hoặc tăng trưởng chậm lại.