Sau vài năm làm việc cho một hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Hà Nội, nhờ giỏi ngoại ngữ và khả năng xử lý công việc hiệu quả, Mạnh đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản Singapore. Nhất thân nhì thế, Mạnh được đưa sang Singapore làm việc và trong bối cảnh nhà nước Singapore khuyến khích nhân tài nước ngoài Mạnh đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ để trở thành công dân Singapore trong một thời gian ngắn.
Nhờ làm người Singapore, hai đứa con Mạnh học trường công hàng tháng chỉ trả có vài chục đô la Sing; đứa thứ hai sinh trên đảo Sư tử được hưởng đầy đủ phúc lợi theo chính sách khuyến khích sinh đẻ tại đây.
Thời gian dần trôi, sau hơn 10 năm lập nghiệp nơi đất khách quê người, gia đình Mạnh nay đã có cơ ngơi ổn định với một căn hộ chung cư do nhà nước xây (HDB) rộng 120 mét vuông và một căn hộ tư nhân cho người Việt thuê với giá hằng tháng không dưới 3.000 đô la Sing.
Nhưng cuộc sống quả là trớ trêu vì chẳng bao lâu sau khi cầm tấm hộ chiếu Singapore, Mạnh lại phải về Việt Nam làm cho một doanh nghiệp Singapore có trụ sở ở TP HCM và lại phải rong ruổi gió bụi “đường xa” trên dải đất quê hương hình chữ S.
Tháng 7 vừa rồi gặp tôi ở Hà Nội, anh mời tôi đến căn hộ cao cấp trên tầng 42. Không giấu vẻ tự hào, anh tiết lộ ngôi nhà này do bố mẹ anh đứng tên vì bây giờ anh không còn mang quốc tịch Việt Nam nữa và cho tôi biết ở thủ đô anh cũng ít khi chơi với người Việt Nam mà chủ yếu với người Singapore...
Theo cách nói thông thường của người Việt chúng ta, Mạnh được gọi là Việt kiều. Thế nhưng, anh lại từ chối danh xưng này khi nghe tôi hỏi về các dự án kinh doanh mua bán bất động sản ở quê nhà. “Singapore không cho song tịch nên mình đã phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam và bây giờ thành người nước ngoài rồi. Việt kiều là phải còn giữ hộ chiếu Việt Nam kia” - Mạnh mỉm cười nói...
Lý luận của Mạnh nghe cũng có lý nếu chiếu theo khoản 1 điều 3 của Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội ban hành ngày 13-11-2008: “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam”.
Nếu theo khoản 3 cũng của điều luật này thì gọi Mạnh là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” cũng khó nghĩ vì anh là “người gốc Việt Nam” nhưng trên thực tế anh cũng ít “cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” mà chủ yếu là ở quê hương với quy chế di trú của một người mang quốc tịch nước ngoài.
Mới đây, qua hãng tin Reuters, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết có đến 4,2 triệu Việt kiều và khoảng 30.000 người ngoại quốc làm việc lâu dài ở Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì số lượng Việt kiều ở Việt Nam nhiều hơn cả dân số Singapore chỉ có không quá 3,5 triệu là công dân và trên dưới 500.000 thường trú nhân và theo lời của ông Châu đây sẽ là tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản nước nhà.
Theo cách hiểu của tôi, Việt kiều không phải là một khái niệm luật định. Luật Quốc tịch định nghĩa người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. Còn Luật Nhà ở thì cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua bán bất động sản ở Việt Nam.
Tuy nhiên “định cư” có thể được hiểu theo nhiều cách: có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (song tịch), có quốc tịch nước ngoài và từ bỏ quốc tịch Việt Nam để trở thành người nước ngoài như anh bạn Mạnh của tôi, hay chỉ ở nước ngoài làm ăn mua bán đi đi về về với giấy phép làm việc theo kiểu quản lý của Singapore (employment pass hay work permit)hoặc du học ở nước ngoài...
Mạnh cho tôi biết đã hỏi ý kiến luật sư thì được trả lời đơn giản: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là (i) công dân Việt Nam (tức còn quốc tịch Việt Nam) hoặc (ii) người có gốc Việt Nam (không còn quốc tịch nhưng có thể xác định được là người Việt Nam theo nguyên tắc huyết thống và đang cư trú sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.
Theo Luật Nhà ở mới Mạnh sẽ có quyền đứng tên mua bán bất động sản mà không nhất thiết để người thân ở Việt Nam đứng tên.
Rồi đây anh sẽ danh chính ngôn thuận hơn trong giao dịch với người đồng hương bằng tấm hộ chiếu Cộng hòa Singapore. Nhưng gọi anh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nghe không ổn vì thời gian sinh sống và làm việc của anh phần lớn là ở trong nước. Gọi Mạnh là Việt kiều chắc anh không chịu, gọi anh là người Singapore thì tôi chưa quen miệng. Cho nên trước mắt tôi sẽ gọi anh là người Việt Nam mang hộ chiếu Singapore.
“Nội hàm” Singapore của Mạnh và gia đình có lẽ sẽ được thể hiện đầy đủ vào thời điểm hai con trai của anh đủ 18 tuổi và thực hiện nghĩa vụ quân sự với những giá trị được hun đúc từ khi ngồi trên ghế nhà trường sang môi trường quân đội để phụng sự cho đất nước và con người Singapore.