Ngay sau khi Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi “đất vàng”, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng về việc không buộc người mua nhà phải chịu trách nhiệm tài chính (nếu có) cũng như vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án.
Tại Văn bản số 4393 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng không có nội dung tạm thời đình chỉ thi công các dự án như kiến nghị của Bộ Tài chính.
Dự án 128 Hồng Hà, P.9, Q.Phú Nhuận ẢNH: KHẢ HÒA
Người mua nhà hoang mang, lo lắng
Chúng tôi ghé vào dự án thương mại dịch vụ, văn phòng, office-tel và căn hộ tại số 128 Hồng Hà (P.9, Q.Phú Nhuận, TP HCM), một trong số 60 dự án nằm trong “bảng phong thần” của Bộ Tài chính, thì phần lớn căn hộ đã được giao cho khách hàng và rất nhiều trong số đó đã dọn vào ở.
Chính phủ không yêu cầu đình chỉ thi công dự án
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4393 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đối với đề nghị của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng đất của DN cổ phần hóa. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính (Công văn số 2000) và ý kiến của các bộ: Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Chính phủ về việc quản lý sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các DN cổ phần hóa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến: Bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất. Như vậy, trong công văn này hoàn toàn không có đề cập đến chỉ đạo của Phó thủ tướng yêu cầu tạm đình chỉ 60 dự án theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Ông Loan, một hộ dân tại đây, tỏ ra lo lắng trước thông tin Bộ Tài chính kiến nghị cho thanh tra và cho tạm dừng 60 dự án. Bởi theo ông Loan, hiện ông đã đóng 95% tổng giá trị căn hộ, chỉ còn 5% đợi đến khi cấp sổ đỏ thì đóng nốt. Nếu thanh tra buộc chủ đầu tư dự án phải đóng thêm tiền sử dụng đất sẽ gây rắc rối, khó khăn cho người dân vì tiền sử dụng đất có thể tăng lên và nguy cơ phải đóng thêm tiền là rất lớn. Không những vậy, dự án đang trong giai đoạn hoàn công, nếu bị thanh tra chắc chắn thời gian làm sổ đỏ cho người dân sẽ chậm lại, không biết đến bao giờ.
Chúng tôi là khách hàng, chỉ biết bỏ tiền mua nhà. Nay nhận được nhà ở ngày vui chưa được tày gang thì nay lại xảy ra chuyện này. Tôi sợ phải đóng thêm tiền nữa thì khổ”, ông Loan lo lắng nói.
Những khách hàng mua căn hộ tại dự án nằm ở số 504 Nguyễn Tất Thành (P.18, Q.4, TP HCM) lo lắng hơn bởi công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị giao nhà. Dự án cũng đã gần giao nhà cho khách hàng. Nhưng với thông tin này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và thời gian giao nhà cho khách hàng sẽ không được đảm bảo.
“Đây là tài sản tôi dành dụm cả đời mới mua được. Dự án khi đã được cấp phép và chủ đầu tư có năng lực triển khai tự dưng giờ nói thanh tra là sao? Nếu có vấn đề gì, nhà nước cũng nên có kết luận cụ thể trước khi công bố truyền thông rộng rãi để tránh tạo dư luận xấu đến thị trường”, một cư dân hoang mang nói và cho biết gia đình anh đang hết sức lo lắng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói rằng mấy hôm nay cả thị trường nóng ran vì văn bản của Bộ Tài chính. Chủ đầu tư một dự án trên địa bàn TP.HCM, cũng cho biết mấy hôm nay khi thông tin thanh tra, tạm dừng các dự án bất động sản đã làm cho cả thị trường náo loạn, người dân, đặc biệt là những người đã mua nhà lo lắng. Ngay bản thân công ty ông mặc dù không có tên dự án nào trong “bảng phong thần” nhưng mỗi ngày cũng có nhiều khách hàng gọi điện lên công ty hỏi xem dự án của họ mua có bị ảnh hưởng gì từ đề xuất của Bộ Tài chính hay không.
Cần nhất sự minh bạch
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, thanh tra là để xem từ xưa đến giờ quy trình giao đất, xác định tiền sử dụng đất có sai gì không. Nếu không hợp lý sẽ sửa lại để mọi thứ rõ ràng, minh bạch, tránh thất thu ngân sách nhà nước đồng thời tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) làm ăn. Tuy nhiên, việc định giá đất như thế nào trong vấn đề cổ phần hóa DN nhà nước đó là chuyện của các DN nhà nước, của các cơ quan công quyền với nhau.
“Tất cả các công đoạn xác định tiền sử dụng đất thuộc về nhà nước, trong suốt quá trình này DN không được tham gia. Đến khi ra được số tiền sử dụng đất, phía chính quyền thông báo bao nhiêu thì DN cũng phải nghe theo. Do đó, những sai phạm của cơ quan công quyền không thể bắt DN, người dân chịu trách nhiệm, thiệt hại.
Có thể nhà nước cứ thanh tra, nhưng không thể bắt dự án phải tạm dừng. Khi một dự án dừng lại sẽ kéo theo biết bao thiệt hại, bao hệ lụy phát sinh. Để minh bạch tiền sử dụng đất, tránh thất thoát đã nhiều lần UBND TP và ngay cả các DN cũng kiến nghị nên xem đó như một sắc thuế, tính bằng 10 - 15% bảng giá đất, ông Quang nói.
Luật sư Thái Văn Chung, Đoàn luật sư TP HCM, đặt vấn đề tại sao khi các dự án đang triển khai xây dựng, thậm chí có dự án đã giao nhà, khách hàng đã vào ở mới thanh tra? Thậm chí, nhiều dự án bị đề xuất tạm dừng đã chuyển nhượng cho nhiều đời, đến nay chủ cũ đã không còn liên quan đến việc đóng tiền sử dụng đất, chuyển đổi chức năng khu đất nữa. Nếu bị thanh tra, bị tạm dừng sẽ phát sinh nhiều rắc rối, có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện giữa chủ khu đất cũ và chủ khu đất mới, khiếu nại giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Chuyên gia Phan Công Chánh cho rằng nếu đình chỉ thi công một dự án thì hậu quả sẽ thật sự khó lường khi phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện. Do đó, nếu có thanh tra thì cứ thanh tra, nhưng không thể dừng dự án được vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, DN và cả thị trường.