Tết này ai đến “xông nhà”
Chỉ những ai sở hữu một ngôi nhà mới hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của 2 chữ “xông nhà” mỗi độ năm mới. Nó chất chứa bao hy vọng của gia chủ trong suốt cả 1 năm với điều lành tìm đến, điều dữ tìm đi. Tìm được người hợp tuổi, phúc phận “xông nhà” ngày đầu năm là một việc làm hệ trọng. Với những người mua nhà lần đầu, thì việc này còn thiêng liêng gấp bội khi nó đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người - “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà".
Vì sự trọng đại ấy mà Tết Bính Thân này, vợ chồng Linh cùng quê Nam Trực, tỉnh Nam Định đã xin ông bà nội ngoại cho vợ chồng cô ở lại Hà Nội đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang ở khu nhà ở thương mại giá rẻ Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đến mùng 2 mới về quê Nam Định chúc Tết ông bà.
Dù còn phải vay mượn, nợ nần không ít, nhưng ngôi nhà vẫn là niềm tự hào chan chứa của vợ chồng cô sau gần chục năm chăm chỉ làm việc, ăn nhịn, để dè. Từ nay, các con cô sẽ không còn cảnh phải ở nhà thuê, nay đây, mai đó, vợ chồng cô có nơi an cư, lạc nghiệp.
Câu chuyện của vợ chồng Linh xin cha mẹ ở lại Hà Nội đón Tết có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong những dự án nhà ở xã hội mới mọc lên như Đặng Xá (Gia Lâm), Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), Đại Kim (quận Hoàng Mai), Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm)…, hay những dự án nhà thương mại giá rẻ như Tân Tây Đô (huyện Hoài Đức), Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), Xa La (quận Hà Đông). Đã có hàng vạn căn hộ thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội đã được bán đến tay người có thu nhập trung bình, trong đó phần lớn là các đôi vợ chồng trẻ.
Dù còn một số bất cập tại các khu chung cư tầm trung, nhưng nó chẳng đáng gì so với mong ước có được chốn an cư của người dân. Ảnh: Dũng Minh
Xu hướng nhà ở bình dân được khẳng định là xu hướng tất yếu những năm gần đây, khi hàng loạt công ty kinh doanh bất động sản lớn nhỏ tuyên bố khởi công xây dựng các dự án gồm nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ. Từ các dự án quy mô trung bình của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai tại thị trấn Chương Mỹ (huyện Chương Mỹ), phường Kiến Hưng, phường Dương Nội (quận Hà Đông) và TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), đến những dự án nhà ở xã hội quy mô lớn của Viglacera tại Đặng Xá, Xuân Phương, các dự án Khu đô thị Xa La, Đại Thanh (huyện Thanh Trì), Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) của Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên..., đã tạo nên 1 làn sóng đầu tư vào phân khúc thị trường này với quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng.
Sức hút vô hình
Còn nhớ, khoảng thời gian 2011 - 2013, khi thị trường bất động sản gần như lâm vào ngõ cụt, thì các chính sách hỗ trợ được ban hành, giúp nhiều doanh nghiệp như “chết đuối vớ được phao”. Với nhiều chính sách hỗ trợ như gói 30.000 tỷ đồng, cho phép chuyển đổi công năng dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh diện tích căn hộ…, một hướng đi mới được các nhà đầu tư tìm ra, đó là đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân (gồm nhà ở xã hội và thương mại giá rẻ).
Nhiều dự án nhà ở thương mại đã được chuyển đổi sang làm dự án nhà ở xã hội, nhiều dự án trước đây được các chủ đầu tư định vị xây dựng thành dự án chung cư cao cấp, đã được điều chỉnh lại diện tích căn hộ và định hướng lại thành phân khúc trung cấp, bình dân.
Với việc cơ cấu lại sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người dân, nhiều doanh nghiệp đã thoát khỏi khó khăn. Phân khúc nhà ở bình dân giai đoạn này trở thành những dự án hàng “hot” và là phân khúc dẫn dắt, nhóm lửa để lan tỏa hơi ấm ra toàn thị trường trong 2 năm qua.
Nhắc đến phân khúc nhà ở giá bình dân tại Hà Nội, phải nói đến Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên của đại gia Lê Thanh Thản. Một trong những dự án nhà ở thương mại giá rẻ đầu tiên tại Hà Nội đó chính là Dự án Khu đô thị mới Xa La (Hà Đông) của doanh nghiệp này.
Sau thành công tại Dự án Xa La, Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên tiếp tục “làm mưa, làm gió” tại phân khúc này với các dự án khác như Khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, các toàn nhà VP và HH tại Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Các dự án của ông Thản ra hàng lúc nào đều gây sốt lúc đó, bất chấp trong thời kỳ thị trường đang đóng băng. Nguyên nhân đơn giản lý giải cho sức hút này chính là giá. Có thể nói, giá bán tại các dự án của ông Thản (cả giá bán theo m2 và tổng giá trị của căn hộ) đều thấp hơn khá nhiều so với các dự án khác.
Còn nhớ, trong năm 2012, với những căn hộ giá từ 10 - 12 triệu đồng/m2 được chào bán tại Hà Nội khi đó tại Khu đô thị mới Đại Thanh, ông Lê Thanh Thản đã bị “ném đá” kịch liệt, khi nhiều chủ đầu tư khác cho rằng, ông “phá giá thị trường”.
Trước những xì xào này, cơ quan thanh tra Bộ Xây dựng ngay sau đó đã tiến hành kiểm tra chất lượng dự án, nhưng kết luận đưa ra là chủ đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn nhà cao tầng Việt Nam và cũng không có căn cứ để kết luận chủ đầu tư bán phá giá. Dự án Chung cư Đại Thanh sau đó đã nhanh chóng bán hết trong sự đắc thắng của “đại gia điếu cày” và mở ra trào lưu giảm giá ồ ạt tại các dự án chung cư khu vực lân cận như quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, Từ Liêm…
Cũng đầu tư bất động sản và thành công với các dự án nhà ở giá rẻ, ông Lưu Văn Hải, Giám đốc CTCP Phát triển Nhà Bình Dân (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản sống dở chết dở, thì từ năm 2011 đến nay, Công ty Nhà Bình Dân hàng năm vẫn đều đặn mở và bán hết bán hàng chục dự án căn hộ khu vực xung quanh Hà Nội. Các dự án đã hoàn thành của Nhà Bình Dân do công ty tự thiết kế, thi công tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), Nội Bài, Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội) cho thấy triển vọng khả quan của phân khúc thị trường nhà ở bình dân.
Cách làm của đơn vị này là hợp tác cùng các chủ đất hoặc mua lại các lô đất sạch khu vực ngoại thành rồi chia nhỏ lô đất với diện tích từ 32 - 60 m2 mỗi căn, xây 2 - 3 tầng, bán với giá từ 500 - 700 triệu đồng/căn cho các gia đình trẻ. Tất nhiên, để làm được nhà với mức chi phí tối thiểu như vậy, đòi hỏi chủ đầu tư phải tính toán rất chi li, cặn kẽ mới đảm bảo chất lượng nhà ở và có lãi.
Theo ông Hải: "Khó khăn của thị trường bất động sản là do cung không phù hợp với cầu. Cầu có, thậm chí có rất nhiều, nhưng cung không khớp. Thị trường bất động sản hút rất nhiều nguồn lực của xã hội, nhưng lại không cung cấp đúng cho xã hội những gì nó cần. Vậy để tồn tại chỉ cần đưa ra những sản phẩm phù hợp hoặc điều chỉnh sản phẩm “có lỗi” (về diện tích, tiện ích, giá cả, kỹ thuật, chất lượng, dịch vụ) cho phù hợp với nhu cầu".
Cùng với các dự án nhà cho người có thu nhập trung bình, các công ty kinh doanh bất động sản cũng triển khai hàng loạt dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, mở ra một cuộc đua mới trong thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng hơn đến nhu cầu nhà ở bình dân, thay vì tập trung vào phân khúc thị trường căn hộ chung cư và biệt thự cao cấp như trước đây.
Thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn khi những người có mức thu nhập trung bình trong xã hội có thể nghĩ đến chuyện tiết kiệm tiền và sở hữu một chỗ ở với mức giá phù hợp với thu nhập. Những bất cập phát sinh trong các khu nhà giá rẻ được phản ánh gần đây là có, nhưng nó chẳng đáng gì so với mong ước được sở hữu một nơi chốn đi về của những mái đầu xanh lập nghiệp nơi phố thị.