UBND TP. Đà Nẵng công bố thông tin cụ thể về quy hoạch lô đất nhà hát Trưng Vương và sân vận động Chi Lăng.
Sẽ xây cao ốc 33 tầng
Theo đó, vùng “đất kim cương” này gồm 2 khu, được xây dựng các công trình cao tầng. Cụ thể, khu A sẽ cao trên 33 tầng, gồm 3 lô đất.
Lô đầu tiên là sân vận động Chi Lăng có phía Bắc giáp đường Lê Duẩn, phía Nam giáp đường Hùng Vương, phía Đông giáp đường Ngô Gia Tự và phía Tây giáp đường Chi Lăng (đường Triệu Nữ Vương cũ).
Lô đất phía Đông nhà hát Trưng Vương sẽ có phía Bắc giáp khu dân cư, Nam giáp đường Hùng Vương, Đông giáp đường Yên Bái và Tây giáp đường Nguyễn Chí Thanh.
Lô đất khu phức hợp An Cư Đông Á (tổ hợp Golden Square) sẽ có phía Bắc giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Nam giáp đường Phạm Hồng Thái, phía Đông giáp đường Yên Bái và phía Tây giáp đường Nguyễn Chí Thanh.
Khu B sẽ cao 16-25 tầng là lô đất phía Tây nhà hát Trưng Vương. Phía Bắc của lô đất này giáp khu dân cư, phía Nam giáp đường Hùng Vương, phía Đông giáp đường Phan Châu Trinh, Tây giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Tại Đà Nẵng, khu đất sân vận động Chi Lăng có tổng diện tích trên 55.000 m2, được cho là khu đất “kim cương” có 4 mặt tiền. Trước đây, phần đất này được UBND TP. Đà Nẵng giao cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh triển khai dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ cao cấp Chi Lăng. Thiên Thanh đã “ôm” trọn sân Chi Lăng chỉ với giá 25,3 triệu đồng/m2 so với mức giá 50-80 triệu đồng/m2 của thị trường vào thời điểm đó.
Vị trí lô đất "kim cương" tại Đà Nẵng. Ảnh: Google maps.
Năm 2011, Đà Nẵng cho phép tách khu đất này thành 14 lô, giao quyền sử dụng cho 10 công ty của tập đoàn này để huy động vốn. Toàn bộ sổ đỏ được cầm cố tại ngân hàng, với số tiền vay lên đến cả nghìn tỉ đồng. Cụ thể, Oceanbank cho đơn vị này vay hơn 1.250 tỉ đồng để “mua” sân Chi Lăng.
Sau đó, 10 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 công ty khác đã lập 14 bộ hồ sơ vay Ngân hàng Xây dựng 4.000 tỉ đồng, sau khi định giá khống 13 lô đất tại sân Chi Lăng. Mức định giá này lên đến 7.500 tỉ. Còn thực tế, giá trị thực tế sau đó được tính toán lại dưới sự chỉ định của Ngân hàng Nhà nước là 2.400 tỉ đồng.
Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh - khi đó là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh - bị bắt. Sau khi “đại án” Phạm Công Danh được công bố, ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại biểu HĐND Đà Nẵng khi đó đã chất vấn việc UBND TP. Đà Nẵng phân lô cấp sổ sân Chi Lăng để Tập đoàn Thiên Thanh mang đi bán có đúng pháp luật hay không và sẽ xử lý theo hướng nào.
Một số chất vấn khác liên quan đến việc tách 14 lô cho 10 đơn vị của Thiên Thanh để huy động vốn, tạo tiền lệ huy động vốn kiểu này cũng được nêu ra nhưng chưa có phản hồi..
Có dễ lấy lại sân Chi Lăng?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, cho biết trên lý thuyết, các công ty con của Thiên Thanh là bên có quyền sử dụng đất. Còn phần nợ xấu vẫn do Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước nắm giữ.
Việc lấy lại sân Chi Lăng, ông Đức cho rằng cần có sự đồng thuận từ các công ty của Thiên Thanh, Ngân hàng Nhà nước. “Còn nếu không đồng thuận, thì buộc vụ việc phải đưa ra tòa án. Khi đó, ngân hàng sẽ phát mại, bán đấu giá tài sản theo quy định và Đà Nẵng muốn chuộc thì phải mua theo giá trị trường vào thời điểm có đấu giá đó”, luật sư này bày tỏ. Do đó, việc lấy lại sân Chi Lăng, theo ông Đức, không dễ.
Một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì cho rằng hiện tại, khả năng Đà Nẵng có thể lấy lại sân Chi Lăng phụ thuộc rất nhiều vào các vấn đề liên quan đến pháp lý của 13 lô đất nói trên. Còn trong trường hợp cuối cùng cần cân nhắc phương án bán tài sản với giá hợp lý so với giá thẩm định trước thực tế và giá trị thực tế.
Hiện tại, sân vận động Chi Lăng nằm trong nội dung sai phạm của Tập đoàn Thiên Thanh nên vẫn bị phong tỏa tài sản, phục vụ công tác điều tra. Các dự án vì thế cũng đi vào ngõ cụt. Phần mặt tiền được dùng để làm nơi trông giữ xe, cho thuê hàng quán, tầng trệt dùng làm trung tâm thể dục thể thao, phòng khám… Bên ngoài có 4 dự án bất động sản nằm trên các khu “đất vàng” nhưng không được triển khai.