Nhưng có lẽ ngay từ bây giờ, cần nghĩ đến một gói vốn ‘hậu 30.000 tỉ’ để hiện thực hóa giấc mơ an cư của người nghèo, qua đó thực hiện đúng mục tiêu của Chiến lược nhà ở quốc gia là mọi người dân đều được quyền có một mái ấm.
Từ một trường hợp thua thiệt…
Cuối tuần qua, anh Vũ Bá Dôi, quê quán Thanh Hà, Hải Dương đã trực tiếp đến tòa soạn Báo Đầu tư Bất động sản chuyển đơn và trần tình về sự khốn khó của mình khi bị “đứng ngoài lề” của gói 30.000 tỉ đồng.
Anh Dôi cho biết hai vợ chồng anh lên Hà Nội làm công nhân hơn 10 năm nay. Mười năm thuê trọ, lại có thêm 2 đứa con thơ, nên khi nghe thông tin về gói 30.000 tỉ đồng từ giữa năm 2015, vợ chồng anh rất mừng và vội đến Sàn giao dịch bất động sản A để tìm hiểu. Đại diện Sàn A tư vấn cho anh chị mua căn hộ chung cư bình dân của Công ty Đ. tại Khu đô thị Linh Đàm và cho biết, Sàn sẽ hỗ trợ về thủ tục này để căn hộ “được giải ngân gói 30.000 tỉ đồng”.
Tin tưởng, anh Dôi gom hết tiền tiết kiệm và chạy vạy vay thêm khắp nơi để có được 196,5 triệu đồng đợt 1 nộp cho chủ đầu tư và hơn 200 triệu đồng tiền chênh cho sàn giao dịch.
Cần một chính sách hỗ trợ xuyên suốt để người nghèo được an cư Ảnh: Lê Toàn
Tuy nhiên, vài tháng sau anh được biết, do thiếu giấy tờ và thời điểm đó, ngân hàng đã dừng tiếp nhận hồ sơ, nên gia đình anh không được vay gói vốn ưu đãi và chủ đầu tư tiếp tục yêu cầu anh đóng thêm 196,5 triệu đồng giai đoạn 2 theo tiến độ xây dựng của dự án.
“Lúc bán nhà thì họ hứa như đinh đóng cột là tôi sẽ được vay vốn rẻ để mua nhà. Sau đó lại bắt đóng tiếp mấy trăm triệu thì lấy đâu ra tiền bây giờ” - anh Dôi than thở và cho biết từ khi chậm nộp đến nay, anh đã hai lần phải nộp phạt với tổng số tiền hơn 23 triệu đồng…
Cần một gói vốn tương tự
Trường hợp của anh Dôi đúng sai thuộc về bên nào có lẽ cần phải tìm hiểu sâu hơn, nhưng với những giấy tờ mà phóng viên được xem, thì việc anh phải chịu phạt hàng chục triệu đồng là có. Đáng nói, đây không phải trường hợp hi hữu, mà khá phổ biến khi một số sàn giao dịch hứa liều lo thủ tục cho người mua vay gói 30.000 tỉ đồng để bán nhà.
Bên cạnh đó, còn một lượng lớn hồ sơ chờ được hoàn thiện thủ tục để vay gói vốn này, nhưng đã bị đình lại theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, vì các ngân hàng đã cam kết cho vay vượt quá con số 30.000 tỉ đồng.
Chính vì vậy, bên cạnh niềm vui cho những người đã vay sẽ tiếp tục được giải ngân sau thời điểm 1-6-2016 với lãi suất ưu đãi, nên chăng cần nghiên cứu một gói vốn tín dụng tương tự sau khi gói 30.000 tỉ đồng đóng lại. Không chỉ hàng trăm ngàn người dân nghèo chưa có nhà đang chờ đợi, mà ngay cả các chủ đầu tư thuộc phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội cũng rất cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước để có thể đưa sản phẩm với giá hợp lý đến với nhu cầu của số đông.
Trên thực tế, nhìn lại chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng thấy con đường này quá gian nan. Biết bao năm hô hào, triển khai nhưng nhà ở xã hội chỉ thực sự bắt đầu đi vào cuộc sống khi vị tư lệnh ngành xây dựng - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đôn đốc đặt “Chương trình phát triển nhà ở xã hội” là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng yếu của ngành. Dù còn có những bất cập, nhưng hàng trăm dự án nhà ở xã hội trên khắp cả nước đã và đang triển khai xây dựng cho thấy cơ hội vẫn đang mở ra cho người nghèo.
Tại TP HCM, DN đầu tư kinh doanh bất động sản có đến vài trăm, nhưng số đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến những cái tên như Địa ốc Hoàng Quân, Đức Khải, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn… đang tham gia thị trường nhà ở xã hội. Trong đó, Hoàng Quân được xem là DN đi đầu phân khúc này tại khu vực phía Nam với hàng loạt dự án không chỉ ở TP HCM, mà còn ở các tỉnh, thành phố khác như Nha Trang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Phan Thiết…
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Hoàng Quân và các đơn vị khác là Hoàng Quân chuyên về nhà ở xã hội, còn các DN khác coi đó là phân khúc “tay trái”. Chẳng hạn, Đức Khải nếu tham gia nhà ở xã hội thì đa phần đều xây nhà tái định cư. Một số dự án được công ty này triển khai dưới dạng làm nhà thương mại và “trả suất” nhà ở xã hội cho Thành phố.
Với các DN “chuyên trị” nhà ở xã hội như Hoàng Quân, nếu không được tiếp cận những gói vốn giá rẻ kiểu như gói 30.000 tỉ đồng hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Được biết, Hoàng Quân đang triển khai xây dựng hàng chục dự án nhà ở xã hội với tổng số căn hộ dự kiến khoảng 10.100 căn. Với con số này, DN không chỉ cần ưu đãi về thuế, có đất sạch hay thủ tục nhanh gọn, mà còn cần được ưu đãi lãi suất để đưa ra thị trường những sàn phẩm với mức giá phù hợp.
Trên thực tế, Hoàng Quân cũng đã tính bài “đi bằng nhiều chân” để tìm vốn giá rẻ. Chẳng hạn, Công ty đã lên kế hoạch phát hành thêm 205 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về 1.734 tỉ đồng. Trong đó, chỉ có 84 tỉ đồng bổ sung vào vốn lưu động, còn lại đầu tư vào nhà ở xã hội. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận rất thấp theo quy định của chương trình nhà ở xã hội, rõ ràng các đơn vị như Hoàng Quân cần Nhà nước tiếp tục “chìa bàn tay” ra để hỗ trợ về vốn.
Tại Hà Nội, các DN tiên phong làm nhà ở xã hội chủ yếu thuộc về các đơn vị của Nhà nước hoặc Nhà nước giữ cổ phần chi phối như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty HUD... Mới đây, thị trường xuất hiện thêm những nhà đầu tư mới như CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Thủ Đô, CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Sông Đà, CTCP Dịch vụ Bắc Hà, Công ty Bất động sản Hải Phát, CEO Group…
Nhìn chung, các đơn vị tại Hà Nội tham gia thị trường nhà ở xã hội là những đơn vị có tiềm lực và lợi thế như có quỹ đất sạch, có tài chính vững chắc. Chính vì thế, giá nhà bán ra luôn cạnh tranh với nhà ở thương mại trên thị trường. Chẳng hạn, dự án tại Khu đô thị Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư có mức giá 8,68 triệu đồng/m2. So sánh với dự án nhà ở thương mại ngay cùng vị trí, thì giá bán nhà ở xã hội thấp hơn trên 5 triệu đồng/m2.
Giá bán cạnh tranh nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn lo đầu ra, bởi khách hàng không đủ tiền để trả một lúc, mà hầu hết phải vay từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Tử Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty HANDICO, cho biết: “Khi triển khai một số dự án nhà ở xã hội, đơn vị đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất, nên giá cả khá cạnh tranh, chỉ có điều, khi gói 30.000 tỉ đóng lại mà chưa có gói mới triển khai, nhiều người mua lo lắng họ sẽ gặp khó khăn trong thanh toán”.
Trong khi đó, đại diện Công ty Hải Phát cho biết hiện đang có gần 1.000 hồ sơ mua nhà ở xã hội đang làm thủ tục tại Công ty. Khi gói 30.000 tỉ đồng dừng lại, không chỉ những người dân nghèo mua nhà lao đao, mà Công ty cũng gặp khó khi đầu ra bị ách tắc.
Rõ ràng, phát triển nhà ở xã hội là một chiến lược an sinh xã hội dài hơi, nên các chủ đầu tư và cả người dân nghèo cũng cần một chính sách hỗ trợ xuyên suốt. Trước mắt, việc các cơ quan liên quan như Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp để đề xuất lên Chính phủ một gói vốn tương tự như gói 30.000 tỉ đồng là việc rất nên làm để giấc mơ an cư của người nghèo không… chợt tỉnh giữa chừng!