Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản. Họ đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về hạ tầng, bất động sản. Đứng thứ 2 trong nhóm các quốc gia có tổng vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với hơn 53 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2017, Nhật đang có nhiều động thái nhằm gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Phó giám đốc một công ty bất động sản tại TP HCM cho biết hiện có nhiều đối tác từ Nhật đặt hàng, yêu cầu giới thiệu các dự án có vị trí tốt, ưu tiên ở khu vực trung tâm, pháp lý rõ ràng để rót vốn. Trong đó, một tập đoàn khá lớn đang có sẵn nguồn vốn khoảng 500 triệu USD mong muốn đầu tư vào các dự án tại khu vực trung tâm hoặc nơi có cảnh quan đẹp.
Ông Hiroki Tojo, Tổng Giám đốc Công ty Okamura Sanyo (một liên doanh giữa 2 đối tác Nhật Bản và một đối tác Việt Nam), thừa nhận ông cũng như các đối tác ở Nhật vẫn còn những lo ngại khi làm ăn ở Việt Nam, như thủ tục pháp lý khá phức tạp, nhiều quy định không rõ ràng và khó hiểu. Liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nơi thì giới hạn 50 năm, chỗ thì lâu dài… trong khi ở Nhật, điều này quy định rất rõ ràng từ đầu. Do thủ tục phức tạp nên dự án thường hoàn thành trễ hơn dự kiến làm phát sinh chi phí. "Chúng tôi không biết làm sao để có thể tuân thủ luật pháp của Việt Nam vì đôi khi có quy định rồi nhưng một số nơi lại làm khác khiến nhà đầu tư không thể lường trước được việc gì sẽ xảy ra" - ông Hiroki Tojo nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng nhà đầu tư Nhật lo ngại nhất là các thủ tục liên quan đến giải tỏa đền bù, tiền sử dụng đất để có được sổ đỏ. Ông từng chứng kiến đối tác Nhật rút khỏi một dự án lớn trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) chỉ vì chủ đầu tư không giải đáp rõ được tổng chi phí giải phóng mặt bằng là bao nhiêu và khi nào hoàn thành.
Theo ông Châu, chính vì lo ngại về thủ tục pháp lý mà các nhà đầu tư Nhật không tham gia dự án từ đầu mà chỉ hợp tác với doanh nghiệp trong nước, mua lại những dự án đã hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, có quỹ đất sạch dù chi phí đầu tư có cao hơn, tỉ suất sinh lợi thấp hơn nhưng bù lại, giảm thiểu được rủi ro.