Hơn một năm trở về trước, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tham dự một buổi gặp gỡ, giao lưu báo chí của Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.
Tại đây, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư quốc tế GIICO đã giới thiệu về dự án có vốn đầu tư tỉ USD.
Theo đó, siêu dự án có cái tên mỹ miều Venus (Thần Vệ nữ, biểu tượng của tình yêu), được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã Xuân Đám, Gia Luận, Hiền Hào, Cái Viềng..., huyện Cát Bà, TP.Hải Phòng. Diện tích sử dụng giai đoạn 1 là 181 ha, giai đoạn 2 là 130 ha. Tổ hợp dự án gồm các hạng mục sân golf, resort, biệt thự, khách sạn 5 sao, khu công viên giải trí biển, khu bảo tồn động vật hoang dã, khu vui chơi có thưởng, bến du thuyền, bãi đáp trực thăng..., tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỉ USD.
Đường vào Khu đô thị quốc tế Đại học Quốc tế Việt Nam của Berjaya bị xuống cấp nghiêm trọng do dự án bị treo. Ảnh: Việt Dũng
Dự án này được giới thiệu sẽ tạo ra cú đột phá trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Để tăng thêm phần hấp dẫn cho dự án, vào thời điểm đó, chủ đầu tư khẳng định nhà đầu tư tham gia dự án ngoài việc sẽ được cam kết mức sinh lời từ 8 - 12%/năm, chủ đầu tư cũng sẵn sàng mua lại các sản phẩm vào bất kể thời điểm nào sau 5 năm theo nguyện vọng của khách hàng. Khi đó, dù giá bất động sản có tăng lên thì chủ đầu tư cũng không ngại, vì đây là dự án có quy mô tầm cỡ và Cát Bà là địa phương có tiềm năng phát triển vượt bậc về du lịch.
Dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2015 và hoàn thành khu biệt thự đầu tiên trong năm 2016. Tuy nhiên, sau khi được giới thiệu hoành tráng cuối năm 2014, dự án này bỗng dưng "mất tích" một cách bí ẩn. Ngay cả website www.venuscatba.com trước đây được giới thiệu là trang chủ chính thức của dự án cũng không còn tồn tại.
Những dự án bất động tỉ USD theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” như Venus còn có thể kể đến siêu Dự án Bãi biển Rồng, Quảng Nam. Cách đây 8 năm, siêu dự án này đã được Tano Captial, LLC (Mỹ) công bố rầm rộ, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá về du lịch biển tại Quảng Nam. Tuy nhiên, sau đó, nhà đầu tư tại Mỹ này không chịu nộp tiền ký quỹ, không triển khai xây dựng, buộc UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi giấy phép. Kết quả của siêu dự án “chết yểu” này là một khu đất hoang vu.
Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu) và thống nhất để doanh nghiệp này nghiên cứu, xem xét khởi động lại Dự án Bãi biển Rồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về thời điểm triển khai lại dự án này.
Cũng có tình cảnh tương tự là Dự án Khu đô thị quốc tế Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) do Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia) triển khai. Công bố hoành tráng cách đây 8 năm với tư cách là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép vào TP HCM và được chính quyền Thành phố đặt nhiều kỳ vọng, nhưng sau gần 10 năm được cấp phép đầu tư, hiện dự án vẫn là đồng cỏ bỏ hoang, lác đác vài ngôi nhà tạm bợ của những hộ dân chưa di dời khỏi vị trí quy hoạch.
Cơ sở hạ tầng tại địa điểm triển khai dự án xuống cấp trầm trọng do từ lâu đã không được nâng cấp, làm mới. Đoạn đường dẫn vào khu dự án này xuất hiện những vũng nước lớn, bùn đất lầy lội, khiến việc lưu thông trong khu vực này rất khó khăn.
Không chỉ VIUT, Berjaya Berhad cũng đang là đồng chủ đầu tư một đại dự án hoang khác tại Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội mang tên Khu đô thị Hanoi Garden City. Dù hạ tầng giao thông đã tương đối hoàn thiện, được quy hoạch bài bản và đã có nhiều phân khu hoàn thành, nhưng hiện tại dự án này, cỏ mọc vượt đầu người.
Đây chỉ là ba trong số hàng chục dự án bất động sản tỉ USD bánh vẽ hiện nay.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn một thời của các dự án bất động sản tỉ USD đối với chính quyền địa phương, nơi tọa lạc dự án và những người mua nhà. Tuy nhiên, có vẻ sự hào hứng đã dần nguội theo những lời hứa suông. Quan trọng hơn, nhiều người đã nhận ra rằng, không ít dự án bất động sản gắn mắc ngoại đã sử dụng chiêu “mỡ nó rán nó” khi đầu tư vào Việt Nam.