Nhà giá rẻ… không rẻ!
Từ năm 2012 đến giữa năm 2014, nguồn cung dự án nhà giá rẻ có sự bùng nổ, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, trong thời gian này, các dự án chung cư giá rẻ của “đại gia” Lê Thanh Thản hễ mở bán là được giới đầu cơ thu gom, sau đó đẩy tiền chênh cả trăm triệu đồng mỗi căn hộ.
Tại nhiều dự án, không ít căn hộ được xây cơi nới, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho khách hàng, nhưng số tiền chênh vẫn lên đến cả chục triệu đồng mỗi căn. Việc tiền chênh bị giới đầu cơ đẩy lên quá cao khiến nhà giá rẻ của vị đại gia này trên thực tế không còn rẻ.
Tuy nhiên, khoảng nửa năm trở lại đây, các đợt mở bán căn hộ giá rẻ của Tập đoàn Mường Thanh đã không còn “nóng” như trước. Để thu hút khách hàng, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư còn phải hỗ trợ khách hàng trong việc vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong khi đó, tiền chênh hiện chỉ xuất hiện chủ yếu ở những căn hộ có vị ví đẹp, thường là các căn góc.
Ngoài các dự án nhà giá rẻ của “đại gia điếu cày” Mường Thanh, tại Hà Nội, không ít dự án từng “gắn mác” nhà giá rẻ cũng gây sóng cho thị trường căn hộ, như Dự án Housing Complex tại quận Bắc Từ Liêm. Dự án này được bán qua Sàn EZ Việt Nam và Sàn VUD với mức giá xấp xỉ 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, mức giá này là giá bán căn hộ xây thô, trong khi tiền chênh bị đơn vị phân phối đẩy lên từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2, khiến giá căn hộ dự án này trên thực tế không còn rẻ.
Hay Dự án CT12 Văn Phú, quận Hà Đông, được quảng cáo là dự án thuộc phân khúc nhà giá rẻ, nhưng mức giá bán qua đơn vị phân phối VIC bị đẩy lên gần 20 triệu đồng/m2, ngang với giá căn hộ phân khúc tầm trung…
Đủ chiêu dụ khách
Từ giữa năm 2014, sự hồi phục của thị trường căn hộ khá rõ nét. Một bộ phận lớn khách hàng mua nhà có xu hướng mua căn hộ trung và cao cấp, khiến nhiều dự án căn hộ nhà giá rẻ đủ điều kiện mở bán gặp khó khăn trong việc bán hàng.
Tại Hà Nội, Hoài Đức là khu vực tập trung nhiều dự án chung cư giá rẻ nhất, với nguồn cung ước tính lên đến hàng chục nghìn căn hộ. Vì thế, khi căn hộ giá rẻ không được thị trường chào đón như trước, các doanh nghiệp đã phải tung ra đủ thứ “vũ khí” để lôi kéo khách hàng.
Chẳng hạn, tại Dự án chung cư Thăng Long Number One, để thu hút khách mua nhà, chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ dự án trên các phương tiện truyền thông. Phía đơn vị phân phối cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, từ tặng vàng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng, đến tặng nguyên căn hộ cho khách mua nhà.
Tại Dự án The Golden An Khánh, khi mới đủ điều kiện bán nhà, chủ đầu tư đã cam kết sẽ bàn giao nhà sớm hơn dự kiến. Trong khi việc bán hàng, doanh nghiệp phải áp dụng đồng thời nhiều chính sách, từ chiết khấu, quà tặng, đến chính sách thu tiền linh hoạt…
Còn tại Dự án Gemek Tower thuộc Khu đô thị Lê Trọng Tấn, mặc dù giá bán căn hộ thuộc phân khúc nhà giá rẻ, khoảng 15 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư cam kết sẽ mang lại các tiện ích cao cấp cho cư dân, với bể bơi 4 mùa, khu chăm sóc sức khỏe, khu mua sắm…
Một “vũ khí” khác được chủ đầu tư đưa ra là cam kết bàn giao nhà đúng tiến độ trong năm 2016. Vì thế, tại công trường Dự án Gemek Tower, đơn vị thi công dự án dường như phải làm việc 24/24 giờ mỗi ngày.
Trong khi đó, một dự án khác được mệnh danh có mức giá rẻ hơn cả giá nhà xã hội là Dự án CT Number One. Hiện căn hộ dự án này được đơn vị phân phối bán với giá xấp xỉ 13 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để thu hút được khách mua nhà, chủ đầu tư đã phải hợp tác với ngân hàng để dự án nhận được sự bảo lãnh tiến độ của ngân hàng.