Sự sôi động của thị trường kéo theo làn sóng di dân tự nhiên đang mang lại hy vọng mới trong việc giảm sức ép dân sinh cho TP HCM.
Dân Sài Gòn đổ xô đi mua đất nền Đồng Nai
Nhộn nhịp
Trong sự hứng khởi của phân khúc đất nền ven đô, Đồng Nai đang là đích ngắm của người muốn an cư lẫn giới đầu tư. Sau chủ trương xây sân bay Long Thành và cầu Cát Lái làm nên cơn sốt của Long Thành, đến lượt Biên Hòa “nổi như cồn” bởi sự đổ bộ của hàng loạt dự án quy mô.
Đặc biệt, thông tin về tuyến đường sắt Metro từ TP HCM đang được đề xuất kéo dài đến Biên Hòa đang kích thích thị trường đất nền khu vực này sôi sục. Bảng hiệu chào bán đất, văn phòng giao dịch địa ốc mọc lên khắp nơi.
“Cứ mỗi cuối tuần, dân Sài Gòn đổ xô về Đồng Nai tìm đất. Từ công nhân cần an cư đến giới nhà giàu đi buôn đều dạo quanh các khu vực tiếp giáp TP.HCM để tìm cơ hội” - ông Nguyễn Văn Lộc, giám đốc một phòng giao dịch địa ốc tại Biên Hòa nói.
Nếu như khách hàng có nhu cầu nhà ở thật, tìm mua những lô đất có diện tích chừng 60 - 70 m2 với giá 300 - 500 triệu đồng/nền thì “nhà giàu” tìm những khu đất có diện tích lớn để đầu tư.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty BĐS Eximrs, doanh nghiệp phân phối độc quyền dự án khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (Biên Hòa, Đồng Nai), thông tin tuyến Metro số 1 kết nối với Biên Hòa, ngay lập tức đã có hiệu ứng mạnh với thị trường BĐS Biên Hòa. Tại dự án này, 400 nền đất được “bán đứt” trong vòng chưa đầy 90 ngày. “Trong những ngày qua đã có hàng trăm khách hàng đến dự án Long Hưng tìm hiểu và đăng ký mua bất động sản” - bà Tú nói.
Theo bà Tú, việc săn đón đất nền tại Biên Hòa cũng là điều dễ hiểu, bởi Biên Hòa và TP.HCM thực tế chỉ cách nhau con sông Đồng Nai, trong khi phía quận 9, giá đất trung bình khoảng 16 triệu đồng/m2 thì bên kia sông giá chỉ khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng/m2. Một khi hạ tầng chính thức kết nối, chênh lệch về giá giữa hai khu vực này sẽ kéo lại gần nhau hơn.
Hướng mở cho đô thị vệ tinh
Đề cập đến sự sôi động của đất nền Đồng Nai, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho rằng đây là một lối mở cho việc di dân tự nhiên, giảm sức ép dân số và chỉnh trang đô thị, một trong 7 chương trình chiến lược của TP HCM.
Với dân số cơ học lên đến 13 triệu dân, việc tiếp cận nhà ở tại TP HCM ngày càng khó khăn, sức ép dân sinh của thành phố rất lớn. Tuy nhiên, việc di dân đô thị không phải là điều dễ dàng.
“Cái khó nhất từ trước đến nay là quỹ đất giá rẻ gần nội đô để người dân tiếp cận việc an cư. Sự sôi động của thị trường đất nền Đồng Nai là một lối mở” - ông Châu nói. Hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Đồng Nai đang là thị trường mới, thúc đẩy làn sóng tiến về vùng ven, nơi có hạ tầng kết nối thuận lợi với TP HCM và giá còn mềm để thực hiện giấc mơ an cư, từ đó đang hình thành những đô thị vệ tinh.
Đồng ý kiến, Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch kiến trúc cho rằng việc thiết lập các khu vực vệ tinh để “chia lửa” cho dân số với TP HCM là bài toán đặt ra từ lâu. “Vấn đề là phải giải quyết tốt vấn đề hạ tầng, dân sinh để thúc đầy quá trình di dân tự nhiên. Nếu không làm tốt thì ngay tại đô thị vệ tinh mới sẽ xảy ra tình trạng manh mún, loang lỗ. Vừa khó hút dân vừa phá vỡ quy hoạch lớn về lâu dài”.
Ông Sanh đơn cử như quy hoạch Dreamland City ngay tại Biên Hòa rộng đến 1.300 ha với vốn đầu tư 10 tỉ USD có khu trung tâm đô thị, khu tổ hợp khách sạn, khu biệt thự cao cấp, trường đại học quốc tế, bệnh viện, khu vui chơi giải trí và tái định cư cho người dân địa phương. Là một quy hoạch lớn, dành cho tất cả các thành phần xã hội. Hạ tầng đấu nối với TP HCM, các yếu tố dân sinh nội tại tốt sẽ thu hút cư dân và góp phần dãn dân cho TP HCM. Cần nhiều quy hoạch lớn như vậy thay vì để tình trạng đất nền phát triển manh mún.
“Một khi yếu tố hạ tầng và dân sinh được giải quyết tốt và kết nối với trung tâm. Người dân sẽ tự động tìm kiếm cơ hội an cư. Đó là cách quy hoạch những đô thị vệ tinh về lâu dài” - ông Sanh nói. Sức hút tự nhiên này sẽ bền vững hơn nhiều so với việc hoạch định sẵn những đô thị vệ tinh thiếu tính tích hợp và sức sống. Ví dụ như thất bại của thành phố mới Bình Dương là một bài học đắt giá.