Mang nặng tâm lý đối phó
Sau gần 2 tuần Thông tư 11 có hiệu lực (16-2), khảo sát của phóng viên từ nhiều sàn giao dịch bất động sản cho thấy, hầu hết các nhân viên môi giới vẫn còn tỏ ra thờ ơ với quy định này. Lãnh đạo 1 sàn giao dịch bất động sản đang có hơn 100 nhân viên môi giới nửa đùa nửa thật: “Quy định vậy thôi nhưng có ai bắt buộc đâu, khi nào bắt buộc ắt sẽ có chỗ 'mua sỉ' chứng chỉ cho nhân viên. Thật ra không phải đến bây giờ mới có quy định về chứng chỉ hành nghề, mà trước đây đã từng có. Bản thân tôi cũng đã từng có chứng chỉ hành nghề môi giới mà không phải học nhưng nay đã thất lạc”.
Không chỉ trường hợp nói trên, nhiều nhân viên môi giới khi trao đổi với phóng viên cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc học để lấy kiến thức, mà chủ yếu mang tâm lý đối phó. Một nhân viên môi giới tại 1 sàn giao dịch bất động sản ở quận 2 cho biết, chưa nghe lãnh đạo doanh nghiệp thông báo gì về việc này nên cũng không nhất thiết phải đi học.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng mục đích của quy định buộc nhân viên môi giới phải qua đào tạo nhằm chấn chỉnh sự minh bạch cho thị trường là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi cái gốc của sự minh bạch trong thị trường xuất phát trước hết từ sự minh bạch trong đầu tư dự án của chủ doanh nghiệp.
Nếu một doanh nghiệp nghiêm túc trong đầu tư dự án, có chủ trương minh bạch ngay từ đầu, thì dù nhân viên có chứng chỉ hay không vẫn sẽ minh bạch. Ngược lại, nếu nhân viên có chứng chỉ, nhưng bản thân các doanh nghiệp lập lờ trong đầu tư dự án, bán hàng, thì thị trường vẫn khó minh bạch.
Cần có chế tài mạnh
Ông Đoàn Chí Thanh, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, cho rằng môi giới bất động sản đã được coi là một nghề trong cơ cấu nghề nghiệp tại Việt Nam và đã được pháp luật thừa nhận. Quy định cấp chứng chỉ hành nghề phải qua đào tạo, sát hạch bài bản, chặt chẽ sẽ tạo ra đội ngũ môi giới chất lượng, từ đó, nâng cao danh dự, giá trị của những người làm nghề là điều cần thiết.
Thực tế, thời gian qua, thực trạng môi giới bất động sản có nhiều nhốn nháo, xuất hiện nhiều “thánh” bán bất động sản theo kiểu đa cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm mất lòng tin của người mua nhà.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, quy định nhưng không có chế tài sẽ khó quản được các hoạt động môi giới đơn lẻ, cũng như các sàn giao dịch không chuyên nghiệp. Vì vậy, để quy định mang lại hiệu quả, cần sớm có chế tài cụ thể để quản lý hoạt động này, giúp cho thị trường trở nên minh bạch hơn.
“Thực tế thời gian qua, trên thị trường cũng đã xuất hiện các ‘khóa học’ môi giới, đầu tư bất động sản trong 2-3 ngày, nhưng chẳng qua chỉ là trò ‘vẽ hoa vẽ bướm’ nhằm qua mặt nhà quản lý, hoặc lợi dụng người học để kiếm tiền. Bởi theo tôi, một vài ngày chẳng đủ để học gì đàng hoàng về kinh doanh bất động sản cả” - ông Thanh nói và cho rằng theo quy định lần này, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua một khóa đào tạo và một kỳ thi sát hạch.
Trong đó, phải thi bắt buộc các nội dung như kiến thức cơ sở (gồm pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản, đầu tư bất động sản, phòng chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản) và phần kiến thức chuyên môn (gồm tổng quan về dịch vụ môi giới bất động sản, quy trình và kỹ năng môi giới bất động sản, giải quyết tình huống trên thực tế).
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, quy định nhân viên hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ không phải mới, song nội dung Thông tư 11 có tính ràng buộc hơn về công tác cấp chứng chỉ như phải được học kiến thức liên quan, quy định cụ thể hơn về việc cấp, rút chứng chỉ.
Ông Châu góp ý đây cũng là một trong các nội dung để có thể kiểm soát tốt hơn việc các sàn giao dịch bất động sản lập chui, tránh được tình trạng nhân viên bán hàng, tư vấn không có kiến thức. Song Bộ Xây dựng cần có chế tài cụ thể thì mới tránh được tình trạng được chăng hay chớ. Đồng thời, cần kiểm soát chặt hơn khâu học và cấp chứng chỉ, tránh để xảy ra tiêu cực.