Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (Phúc Hà Group) vừa cất nóc tòa nhà T2 trong khuôn khổ Dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) với tư cách là các căn hộ hạng trung có diện tích từ 60 đến 93 m2 (2 - 3 phòng ngủ).
Trước đó, tòa T1 của Dự án đã được Phúc Hà giới thiệu ra thị trường vào cuối năm 2013 với tư cách là các căn hộ giá rẻ để tranh thủ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với việc thời hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng sắp kết thúc, tại tòa T2 vừa cất nóc, gói vay tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã không còn được Phúc Hà Group nhắc đến. Thay vào đó, chủ đầu tư cam kết hỗ trợ khách vay ngân hàng với lãi suất 0% trong 12 tháng. Theo đại diện của Phúc Hà Group, đây sẽ là bước đệm tiến đến việc Dự án Thăng Long Victory sẽ ra mắt thị trường tòa T3 với tư cách căn hộ cao cấp vào quý III/2016.
Không riêng Phúc Hà, nhiều chủ đầu tư thời gian gần đây cũng đã chuyển đổi dự án của mình từ nhà giá rẻ thành căn hộ hạng trung và cao cấp như: Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Thủ đô (Thủ đô Invest) với các Dự án EcoHome 1 & 2 (Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), EcoLife Capitol (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); Công ty cổ phần Bất động sản Mê Kông với Dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội); Công ty cổ phần Sông Đà Hoàng Long với Dự án The Golden An Khánh; Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát với tòa căn hộ CT1 – 104 mua lại từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long tại Dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội)…
Sự chuyển đổi trong chính sách đầu tư của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản là khá nhanh nhạy khi nhận thấy sự ấm lên của thị trường bất động sản và những thay đổi trong chính sách vĩ mô.
Trong khi nhiều người bày tỏ sự lo lắng về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng kết thúc vào tháng 6 tới, thì đã có những chủ đầu tư nhận thấy cơ hội “lên đời” cho các dự án của mình khi mức giá bán 15 triệu đồng/m2 không còn là điều kiện bắt buộc để hưởng ưu đãi lãi suất. Như trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Thủ đô mới đây, sau khi thành công với 2 dự án nhà ở giá rẻ là EcoHome 1&2 đã quyết định thay đổi hình ảnh của mình với Dự án căn hộ sinh thái cao cấp EcoLife Capitol.
Tại EcoLife Capitol từ thiết kế cảnh quan, kiến trúc đến vật liệu xây dựng đều được chọn lựa kỹ lưỡng, thân nhiện với môi trường như: pin năng lượng mặt trời, thang máy chống cháy hiện đại với sảnh đệm an toàn, nguồn nước sạch có thể uống ngay tại vòi, hệ thống xử lý rác, nước thải tách biệt theo công nghệ châu Âu...
Hoặc trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, vượt lên khỏi những rắc rối từ Dự án The Pride tại Khu đô thị An Hưng, quận Hà Đông (nay đổi tên thành HP Landmark Tower), đầu tư thành công vào phân khúc nhà ở xã hội với dự án quy khá lớn là The Vesta (gần 2.000 căn) tại Cụm Công nghiệp Phú Lãm, quận Hà Đông, chủ đầu tư này mới đây đã bày tỏ tham vọng đầu tư vào phân khúc căn hộ cao cấp với việc mua lại tòa căn hộ CT1 - 104 mua lại từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long tại Dự án Usilk City.
Nếu giữ đúng quy hoạch ban đầu của Usilk City, đây sẽ là tòa căn hộ cao cấp nhất của Hải Phát so với những dự án đơn vị này đã triển khai xây dựng trước đây. Nếu thành công, sẽ có một Hải Phát khác so với những gì thị trường đã biết về doanh nghiệp chuyên đầu tư vào lĩnh vực nhà ở giá rẻ trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Việc chuyển hướng của các chủ đầu tư nhà ở giá rẻ sang phân khúc nhà ở cao cấp hơn được xem là bước đi đầy toan tính của các chủ đầu tư, khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc. Những yêu cầu về giá bán, đối tượng mua, tỉ suất lợi nhuận của chủ đầu tư… sẽ không còn bị ràng buộc bởi nguồn vốn vay ưu đãi, doanh nghiệp có quyền chọn lựa phân khúc thị trường khả thi nhất để tối đa hóa lợi nhuận cho dự án của mình.