Lý do được cho là do chính sách quy hoạch, kết nối hạ tầng, cùng việc đầu tư không hợp lý.
Những dự án chưa “tỉnh giấc” cùng thị trường
Sau khi thị trường bất động sản hồi phục, nhiều dự án “bỏ hoang” của TP HCM được tái khởi động và tạo nên những khu đô thị sầm uất, giúp thay đổi bộ mặt đô thị của Thành phố. Tuy nhiên, cũng có những dự án dù ở vị trí đắc địa, đã được đầu tư quy hoạch bài bản và chào bán hết từ lâu, nhưng lại lâm vào cảnh “ngủ quên”, để mặc mưa nắng vì không có người ở.
Tâm điểm của những dự án loại này có thể kể tới Dự án Khu dân cư Khang An, thuộc phường Phú Hữu, quận 9 do Công ty cổ phần Địa ốc Khang An làm chủ đầu tư.
Nhưng căn biệt thự tiền tỷ tại khu dân cư Khang An bị bỏ hoang không có người ở nhiều năm nay
Dự án có quy mô hơn 11.000 m2 đất, gồm 350 căn nhà, trong đó có 193 nhà liên kề vườn, 119 biệt thự song lập và 38 biệt thư đơn lập. Dự án đã triển khai từ trước cơn sốt đất năm 2007, giá bán trung bình một căn nhà phố diện tích khuôn viên đất 144 m2, xây thô gồm 1 trệt 3 lầu khoảng 3 tỉ đồng.
Trong thời kỳ bất động sản trầm lắng, hàng loạt dự án khác tắc thanh khoản, thì dự án này vẫn nhanh chóng được bán hết. Dự án được hưởng lợi lớn từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây khi chỉ cách cao tốc này khoảng 150 m và có đường số 1 kết nối với đường cao tốc.
Đáng nhẽ, cần có một nghị định hướng dẫn Luật Quản lý đô thị quy định đồng ý cho chủ đầu tư bán nền, xây dựng trong năm đầu tiên
- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA
Tuy nhiên, đến nay, dự án này lại gần như bị cô lập với các dự án xung quanh với cảnh hoang tàn và xuống cấp do không có người ở. Những người mua trước treo biển chào bán, nhưng không ai hỏi mua.
Ông Trương Thành Công, một chủ nhà hiếm hoi sinh sống tại khu biệt thự này cho biết, ông mua căn biệt thự này từ năm 2008 với giá khoảng 3 tỉ đồng. Thời điểm ông mua, dự án này đang rất hút khách hàng. Tuy nhiên, khi hoàn thành và tới ở, thì đường sá đi lại bất tiện, các tiện ích như nhà trẻ, bệnh viện, công viên, siêu thị, chợ búa không có, trong khi những người tìm tới mua dự án hầu như là nhà đầu tư mua để bán lại, chứ không ở, nên dự án dần dần hoang tàn và vắng bóng người.
“Ở quanh khu vực xung quanh gần đây trở nên náo nhiệt kể từ Trường cao đẳng Sư phạm di dời về đây, cùng nhiều dự án xây dựng khác. Tuy nhiên, về tới khu vực mình sống thì lại như một ốc đảo tách biệt với những ồn ào náo nhiệt bên ngoài, chỉ nghe tiếng ếch nhái kêu. Sợ nhất là những người già như chúng tôi hay trẻ con bị bệnh lúc đêm, vì ở xa bệnh viện, đường lại vắng vẻ, sợ cướp bóc. Do đó, dần dần người dân dời đi hết, chỉ còn khoảng 6 nhà dân còn sinh sống tại đây”, ông Công cho biết.
Tương tự, tại quận 2 cũng có 112 căn biệt thự thuộc Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi với tổng diện tích 174 ha của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô đầu tư cũng trong tình trạng tương tự.
Bắt tay xây dựng vào năm 2005, hiện dự án đã xây dựng xong nhà cửa, nhưng số lượng nhà có người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa số là xây thô rồi bỏ hoang.
Theo người dân sống tại đây, lý do mà dự án này hoang vắng là vì hạ tầng phục vụ cho cuộc sống dân cư gần như là con số không, ngoại trừ việc xây dựng nhanh nhẩu các căn nhà của chủ đầu tư.
Không chỉ những dự án khu dân cư bị bỏ hoang, mà ngay cả những dự án nhà tái định cư cũng có hoàn cảnh tương tự.
Tại chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8, cảnh tượng vắng vẻ bao trùm khu chung cư khá khang trang gồm 2 khối nhà cao 15 tầng, với tổng số 350 căn hộ, diện tích từ 59 - 97 m2/căn. Vì bỏ hoang hơn 4 năm nay, nên nhiều hạng mục đã bắt đầu xuống cấp, các bức tường bị trẻ con vẽ bậy lên khắp nơi…
Theo người dân sống lân cận, do không có ai quản lý, nên nơi đây cũng là điểm cho dân xì ke tụ tập hút chích, quậy phá.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Chung cư tái định cư Bắc Rạch Chiếc, quận 9. Khánh thành đã 5 năm, nhưng hiện chỉ có vài hộ dân sinh sống. Do không có người ở, nên cửa sổ, lan can, nền, tường… đã xuống cấp, nứt toác.
Lỗi tại chính sách?
Có thể thấy, dù thị trường bất động sản TP HCM đang trở lên sôi động, nhiều người dân đang có nhu cầu về nhà ở nhưng không tìm mua được nhà, thì trên địa bàn Thành phố vẫn có nhiều căn hộ, biệt thự bị bỏ hoang.
Nhiều ý kiên cho rằng, để xảy ra tình trạng này là vì chính sách thiếu đồng bộ và việc điều tiết thành lập dự án của cơ quan chức năng không phù hợp.
Một chủ đầu tư hiện có dự án bỏ hoang cho rằng việc những dự án này vắng bóng người ở vì hệ thống hạ tầng giao thông không phù hợp. Đơn cử như việc quy định nhà đầu tư nào tới trước phải xây dựng hạ tầng giao thông trước, nhưng khi dự án hoàn thành, có nhà đầu tư tới đầu tư một dự án gần đó cũng xây dựng hệ thống hạ tầng liền kề và vô tình phá vỡ hệ thống hạ tầng mà chủ đầu tư tới xây dựng trước, vì hai nhà đầu tư có hai cách xây dựng kết nối hạ tầng khách nhau, kiến các dự án có độ vênh khi kết nối hạ tầng với nhau.
Đặc biệt là việc không đồng nhất về cốt sang nền của các dự án, không kết nối được hệ thống cống thoát nước, hệ thống đường sá..., khiến các dự án vênh nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng lỗi một phần cũng vì chính sách thời điểm bấy giờ.
Theo ông Châu, đây là câu chuyện của Chỉ thị 08 của UBND TP HCM, dự án xây nhà theo Nghị định 181, cho phép phân lô bán nền.
Ông Châu cho rằng, thời điểm Dự án Khang An xây dựng và chào bán, thì Nhà nước cho bán nền, mà lúc đó không khống chế thời gian xây dựng công trình và chế tài về việc này, nên giờ đây chủ đầu tư cho rằng mình vô can trong việc dự án mình bị bỏ hoang.
Ngoài ra, theo ông Châu, lỗi một phần cũng từ khách hàng, vì người mua nhà tại dự án hầu như là những nhà đầu tư thứ cấp, chứ không mua để ở, nên không chăm chút đầu tư, hoàn thành căn nhà. Tuy nhiên, hiện nay, chính người mua đó lại chịu trận và lỗ khủng, nhưng cũng không thể thoát được hàng.
“Đáng nhẽ, cần có một nghị định hướng dẫn Luật Quản lý đô thị quy định đồng ý cho chủ đầu tư bán nền, xây dựng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, Nhà nước cần khống chế việc thời gian bao lâu phải hoàn thành xong những căn nhà của dự án, như vậy dự án mới làm cho cư dân tới sinh sống”, ông Châu cho biết.
Cũng theo ông Châu, một lý do nữa dẫn tới các dự án ngày không có người ở là vì chính sách quy hoạch của thời điểm bấy giờ. Trước kia, việc phê duyệt từng dự án được dựa trên quy định quy hoạch phân khu 1/2000, việc quy hoạch phân khu này trước đây không được coi trọng, bởi lúc đó chính sách còn cho phép chủ đầu tư quy hoạch 1/2000 mở dộng diện tích dự án của họ.
“Việc quy hoạch này không có một cái nhìn tổng thể, với những quy hoạch cụ thể cho một khu vực lớn. Tuy nhiên, gần đây, TP HCM mới khắc phục được những thiếu sót của chính sách này. Nhưng việc này lại quá chậm, nên không có phương thức xử lý dứt điểm đối với những dự án da beo, lởm chổm như dự án Khang An, Hà Đô...”, ông Châu đánh giá và kiến nghị, Chính phủ cần phải đưa ra quy định gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư với dự án, không để các chủ đầu tư khi bán xong dự án, thì coi như không còn trách nhiệm với dự án và khách hàng.