Va chạm thực tiễn ngay trên ghế nhà trường
Năm 2017, cuộc khảo sát trên 3.000 sinh viên các trường đại học của diễn đàn Giới trẻ với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, có đến 42% sinh viên thất nghiệp không đạt yêu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, 61% sinh viên có việc làm tự nhận mình không có kỹ năng nghề nghiệp.
Bốn năm sau, báo cáo Điều tra lao động việc làm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy 13,4% lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên. 69% doanh nghiệp khi được hỏi về công tác tuyển dụng cho biết lý do phổ biến là người ứng tuyển thiếu các kỹ năng làm việc.
Các báo cáo trên cho thấy không ít sinh viên thiếu kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để gia nhập thị trường lao động. Khi nhu cầu nguồn nhân lực nhiều, đòi hỏi yêu cầu đầu vào của doanh nghiệp cũng phải nâng "level": sinh viên phải có tay nghề cao, khả năng ứng dụng công nghệ, linh hoạt xử lý công việc khoa học,…
Chương trình đào tạo chú trọng thực hành giúp sinh viên gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn
Để tiệm cận với thị trường lao động, vài năm trở lại đây, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc Tập đoàn Giáo dục EQuest (EQuest) đã triển khai và hiện thực hóa mô hình đào tạo song hành (đào tạo kép) của đào tạo nghề, gắn liền với vị trí việc làm của hệ đại học, dành đến 70% thời lượng học cho các hoạt động thực hành, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Điều hành Khối Cao đẳng và Đại học EQuest cho biết: "Mục tiêu của EQuest và các đơn vị thành viên đó là đào tạo ra một thế hệ người lao động lành nghề, có chuyên môn cao, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và có tiếng Anh tốt. Đây sẽ là những hành trang vững chắc để các em có thể cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và nước ngoài."
Thực vậy, mô hình đào tạo này đã chứng minh được hiệu quả, khi sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp của EQuest có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương từ 8 triệu đồng, thậm chí nhiều sinh viên được doanh nghiệp săn đón khi còn đang đi học như: Trường ĐH Phú Xuân - PXU (Huế), gần 100% sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp; Trường Cao đẳng Việt Mỹ - APC có tới 89% sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp; khoảng 90% sinh viên Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn - SPC có việc làm ổn định ngay sau ra trường.
Sinh viên ngành Công nghệ ô tô Đại học Phú Xuân trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp
Để đạt được điều này, Ban Giám hiệu các trường đều đề cao tính thực tiễn trong học tập, đặc biệt chú trọng tới việc hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, vừa xây dựng nguồn chuyên gia thỉnh giảng có kiến thức thực tiễn cao vừa tạo nguồn đầu ra sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Một số trường như hệ thống APC, doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, xây dựng tài liệu học tập, giúp các chương trình giảng dạy có tính thực tế, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
"Khi sinh viên chọn học nghề, tức đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng làm việc. Vì thế, chương trình đào tạo của trường chú trọng thực hành, giúp học viên rút ngắn được thời gian đào tạo khi không mất quá nhiều thời gian vào nghiên cứu lý thuyết mà tận dụng phần lớn vào việc nâng cao tay nghề và cọ sát với công việc và tiếp thu kiến thức thực tiễn trực tiếp", bà Vũ Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng SPC nói.
Tương tự, tại hệ thống APC (hiện có phân hiệu tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ), nhà trường đã ký kết với hàng trăm doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ngành nghề của nhà trường như: Tập đoàn Sun Group, Vinpearl Resort, Bệnh viện Quân y 175, Nhà thuốc Long Châu, Nhà thuốc An Khang, Công ty Giải trí Điền Quân, Công ty Công nghệ FPT, Chuỗi nhà hàng Tokyo Deli, Công ty Golden Gate, Hệ thống Trung tâm Giáo dục Nhật Bản IZUMI.... Ngoài ra, trong các chương trình đào tạo còn rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, giúp sinh viên làm quen được với cách thức hoạt động của từng doanh nghiệp cụ thể.
"Ngay từ khi sinh viên còn đang theo học, trường đã nhận được nhiều "đơn đặt hàng" từ doanh nghiệp. Điều này chứng minh rằng sinh viên của trường được doanh nghiệp đánh giá cao và muốn "chủ động săn" nguồn nhân lực chất lượng ngay từ trên ghế nhà trường", bà Trần Thị Mỹ Hằng - Hiệu trưởng APC Hà Nội khẳng định.
"Chương trình đào tạo được cập nhật từ kiến thức của các nước phát triển hàng đầu về ngành; các kiến thức nền tảng, cơ sở ngành, chuyên ngành được nhà trường sắp xếp hợp lý nhằm giảm bớt áp lực lý thuyết... Ngoài các lớp học trên lớp, sinh viên thường xuyên có các buổi học thực tế tại doanh nghiệp", bà Ngô Hoàng Oanh, Hiệu trưởng PXU cho biết.
Đại diện các trường đều thống nhất rằng những sinh viên tốt nghiệp gần đây có những bước phát triển vượt bậc. Sinh viên ra trường bắt đầu nhận những vị trí quản lý cấp trung trong các công ty trong nước cũng như công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Không chỉ vậy, môi trường học tập "đậm" thực tiễn, giàu trải nghiệm đã giúp sinh viên "bỏ túi" những kiến thức, kỹ năng cần thiết để mở rộng cơ hội nghề nghiệp tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Nâng tầm chất lượng sinh viên bằng đào tạo kỹ năng mềm và mở rộng ngành "hot"
Không thể phủ nhận thị trường lao động hiện nay vừa là mảnh đất màu mỡ, vừa là nơi cạnh tranh khốc liệt cho sinh viên mới ra trường. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2024, ngành LĐ-TB-XH sẽ tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là các ngành đặc biệt như: chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon...
Đáng chú ý, những việc làm mới dần xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024 sẽ tập trung về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu... Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề.
Cập nhật các ngành học "khát" nguồn nhân lực trong tương lai là một trong những hướng đi của EQuest và các đơn vị thành viên. Đơn cử, sinh viên PXU được thực hành những phương pháp học thực chiến hiện đại nhất như thương mại điện tử, affiliate... trên nền tảng đa kênh và ứng dụng AI vào chương trình học; APC Hà Nội có nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu cao của thị trường như: nhóm ngành ngôn ngữ (Hàn, Trung, Anh); nhóm ngành Du lịch - nhà hàng - khách sạn, nhóm ngành Công nghệ thông tin (Thiết kế đồ hoạ, Ứng dụng phần mềm, Digital Marketing)... Đây đều là những ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế.
Quản trị khách sạn là một trong những ngành "hot" tại Cao đẳng Việt Mỹ
Để việc triển khai mở rộng ngành học, trong đó có nhiều ngành mới, bà Ung Thị Trang, Phó Hiệu trưởng APC Cần Thơ nhận định, chuyển đổi số trong giảng dạy là chìa khóa giúp tăng tính tương tác giữa giáo viên và sinh viên, thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giảng dạy. Việc chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao chất lượng giảng viên, làm quen với những công nghệ nền tảng AI.
Thị trường lao động đang dần trở nên toàn cầu hóa, người lao động Việt Nam không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với lực lượng lao động tại các nước khác trong khu vực - những nơi vốn được đánh giá cao hơn về năng suất lao động, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Bởi vậy, bên cạnh chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng cũng đòi hỏi sinh viên cần có kỹ năng làm việc, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc.
Tập đoàn Giáo dục EQuest hiện là một trong những tổ chức giáo dục tư nhân hàng đầu Việt Nam. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, EQuest đang sở hữu hệ sinh thái giáo dục toàn diện với hơn 25 đơn vị thành viên trên toàn quốc. Bao gồm các hệ thống giáo dục phổ thông, đại học và cao đẳng cùng hệ thống công nghệ giáo dục và trung tâm Anh ngữ với hơn 362.000 học sinh sinh viên theo học. Tháng 6-2022, Tập đoàn Giáo dục EQuest được Tổ chức Kiểm định Cognia (Mỹ) công nhận đạt kiểm định chất lượng toàn diện. KKR - công ty đầu tư hàng đầu thế giới đã 2 lần đầu tư vào EQuest với 220 triệu USD (tháng 5-2021 và tháng 5-2023). |